Dấu hiệu cảnh báo trái tim đang suy yếu

Một số bệnh tim mạch có biểu hiện triệu chứng từ sớm

Bị bệnh mạch vành có nguy cơ biến chứng nhồi máu cơ tim không?

Podcast: Tập thể thao quá sức, cường độ cao, cẩn thận nhồi máu cơ tim!

Dinh dưỡng cho tim mạch: 7 nhóm thực phẩm nên ăn, nên tránh

Gia tăng biến cố tim mạch ở người trẻ, người khỏe

Thời gian vừa qua, các bệnh viện trên cả nước ghi nhận nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim là thanh niên trẻ, thường xuyên vận động và quan tâm đến thể hình. Đối tượng này thường chủ quan, cho rằng tim mạch chỉ là bệnh người già. Đến khi đau ngực dữ dội, nhập viện mới biết nhồi máu cơ tim, dẫn tới điều trị khó khăn. Tuy nhiên làm sao để có thể nhận ra trái tim đang suy yếu lại là chuyện không đơn giản. 

Theo GS. Tony Heagerty, Trưởng khoa Y, Đại học Manchester (Vương quốc Anh), các dấu hiệu dưới đây là lời cảnh báo trái tim đang có vấn đề, có thể dẫn đến điều nghiêm trọng:

Sức cầm nắm yếu

Khi bạn cầm vào tay nắm cửa hay vợt tennis, trái tim khỏe mạnh sẽ bơm thêm máu và oxy tới những cơ bắp tham gia vào cử động này. Nếu bạn mắc bệnh tim mạch như suy tim, lượng máu tới cơ tim không đủ, ảnh hưởng đến chức năng của các nhóm cơ bắp khác. Do đó, lực cầm nắm của đôi tay cũng giảm sút.

GS. Heagerty khuyến cáo, nếu bạn nhận thấy việc cầm nắm vật dụng thông thường như túi đồ siêu thị, hộp sữa trở nên khó khăn, đi kèm triệu chứng đau ngực, khó thở, hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Gặp cơn đau giống như khó tiêu

Đau ngực trào ngược dạ dày thực quản hay đau ngực do tim khó phân biệt

Đau ngực trào ngược dạ dày thực quản hay đau ngực do tim khó phân biệt

Cảm giác đau rát, nóng ngực có thể xảy ra khi bụng dạ khó tiêu. Tuy nhiên, GS. Heagerty cảnh báo, triệu chứng này dễ nhầm lẫn với cơn đau bắt nguồn từ tim, do các dây thần kinh tới dạ dày và tim hoạt động giống nhau.

Để phân biệt cơn đau khi nào là nguy hiểm, chuyên gia cho hay, cơn đau ngực do bệnh lý về tim thường xảy ra khi vận động, tập thể dục và biến mất khi bạn nghỉ ngơi. Đây là triệu chứng bạn không nên chủ quan mà cần trao đổi với bác sĩ. Trong khi đó, đau ngực do khó tiêu xảy ra sau khi ăn. 

Cảm giác đau như nghẹt thở

Đau thắt ngực là cơn đau xảy ra khi mạch máu bị tắc hẹp, dẫn tới cản trở lưu thông máu tới tim. Triệu chứng này thường gặp ở người mắc bệnh tim mạch, tạo ra cảm giác như nghẹt thở, ngực bị đè nặng, đau lan lên cổ họng. Một trong những nguyên nhân là do tim không bơm đủ máu tới cơ bắp, khiến acid lactic tích tụ trong các cơ quan. 

GS. Heagerty khuyến cáo, các triệu chứng đau thắt ngực xảy ra tương đối nhanh chóng, cho thấy động mạch vành bị thu hẹp nghiêm trọng và có thể báo trước cơn nhồi máu cơ tim.

Sưng phù mắt cá chân

Tình trạng phù nề do suy tim sẽ được biểu hiện rõ nhất ở mắt cá chân

Tình trạng phù nề do suy tim sẽ được biểu hiện rõ nhất ở mắt cá chân

Mắt cá chân, cổ chân sưng phù là triệu chứng thường gặp ở người bệnh suy tim. Cơ tim không thể bơm đủ máu qua động mạch và đưa máu quay trở lại tim. Hậu quả là lượng dịch dư thừa trong mao mạch có thể rò rỉ vào các mô của cơ thể, gây phù nề. Khi bạn đứng lên, lượng dịch sẽ gây sưng phù mắt cá chân.

Ngoài bệnh lý tim mạch, tình trạng giãn tĩnh mạch, béo phì hay tác dụng phụ của thuốc cũng có thể gây phù chân. Người lo ngại về triệu chứng này nên đi khám để tìm ra nguyên nhân.

Đau nhức bắp chân

Các cơ bắp ở chân không được cung cấp đủ máu sẽ tích tụ acid lactic, từ đó gây ra đau nhức. Triệu chứng này cảnh báo bệnh động mạch ngoại biên, thường gặp ở người có tiền sử hút thuốc lá, tăng huyết áp hoặc tăng mỡ máu. Cơn đau thường ở bắp chân, phía sau đầu gối, đôi khi lan tới mông; Đau khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.

Đau vai, cánh tay và xương hàm

Nhồi máu cơ tim có thể gây đau có thể lan ra cổ, hàm dưới, vai hoặc cánh tay bên trái

Nhồi máu cơ tim có thể gây đau có thể lan ra cổ, hàm dưới, vai hoặc cánh tay bên trái

Cơn nhồi máu cơ tim không chỉ gây ra đau thắt ngực, mà còn có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở vai, cánh tay và xương hàm. Nếu cơn đau xuất hiện ngay cả khi bạn không vận động, đây là tình huống cấp cứu không nên chủ quan. 

Để bảo vệ trái tim khỏe mạnh, GS Heagarty gợi ý cần duy trì lối sống lành mạnh, giữ cân nặng khỏe mạnh và chăm chỉ vận động. Hoạt động thể chất vừa sức giúp tim khỏe, có thể bơm máu hiệu quả hơn. Tập thể dục cũng giúp giảm cholesterol và ổn định huyết áp lâu dài. 

Về dinh dưỡng, ngay từ sớm, bạn nên có chế độ ăn cân bằng, ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối và chất béo bão hòa là chìa khóa giảm nguy cơ đái tháo đường, tăng huyết áp và mỡ máu. 3 căn bệnh này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Ngoài ra, GS. Heagerty cũng khuyến nghị bạn nên cai thuốc lá càng sớm càng tốt. Khói thuốc là yếu tố nguy cơ dẫn tới xơ vữa động mạch, khiến máu lưu thông khó khăn, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

 
Quỳnh Trang (Theo Telegraph)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch