Nghiện cắn móng tay: Dấu hiệu rối loạn sức khoẻ tâm thần

Cắn móng tay là một thói quen không hề hiếm gặp. Nghiện cắn móng tay có thể là dấu hiệu của rối loạn sức khoẻ tâm thần cần được chú ý.

Nghiện cắn móng tay cùng với một số hành vi khác như cắn môi, nhai má… được phân loại nằm trong DSM-5 (Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Mỹ) là một “rối loạn hành vi lặp lại tập trung vào cơ thể” thuộc nhóm “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế được chỉ định khác và các rối loạn liên quan”.

Nghiện cắn móng tay thường gây ra tổn thương có thể nhìn thấy ở phần móng tay, lớp biểu bì xung quanh. Tình trạng này có thể xuất hiện độc lập hoặc cùng với các “hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể” (Body-Focused Repetitive Behaviors – BFRB) khác như: nhổ tóc, cắn da tay,…

Ngoài cảm giác lúc nào cũng muốn cắn móng tay, những người mắc tình trạng này còn thường xuyên gặp phải:

-         Cảm giác đau khổ, khó chịu bứt rứt hoặc căng thẳng trước khi cắn.

-         Cảm giác nhẽ nhõm thậm chí là thích thú sau khi cắn xong.

-         Mối quan hệ gia đình và xã hội căng thẳng hoặc phức tạp (có thể do chủ động xa lánh hoặc bị động không thể kiểm soát).

-         Tổn thương mô ở ngón tay, móng tay và lớp biểu bì.

-         Chấn thương vùng miệng, các vấn đề về răng, áp xe và nhiễm trùng...

Cắn móng tay có thể xảy ra trong vô thức hoặc là dấu hiệu của thái độ tập trung.

Cắn móng tay có thể gây biến dạng đầu ngón tay và một số các bệnh nhiễm trùng kẽ móng hoặc viêm da, nấm móng...

Cắn móng tay có thể gây biến dạng đầu ngón tay và một số các bệnh nhiễm trùng kẽ móng hoặc viêm da, nấm móng...

Khi nào cắn móng tay được coi là một rối loạn sức khỏe tâm thần?

Cắn móng tay khá phổ biến nhưng ranh giới giữa việc cắn móng tay “bình thường” và bệnh lý không phải lúc nào cũng rõ ràng. Theo DSM-5, rối loạn hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể có thể chẩn đoán được và gây ra cũng tổn thương đáng kể về mặt lâm sàng, cản trở mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày.

Biểu hiện này được đặc trưng bởi những hành vi gây tổn hại lên cơ thể trong vô thức (như nhổ tóc, cạy da, cắn móng tay…) được tái diễn liên tục và không có cách nào khiến chúng dừng lại.

Nghiện cắn móng tay về lâu dài sẽ không chỉ gây tổn thương biến dạng cho đầu ngón tay mà còn dẫn tới nhiều những hậu quả khác như nhiễm trùng da, nhiễm nấm, đau miệng và ảnh hưởng đến răng.

Nguyên nhân

Một số người có khả năng bị di truyền thói quen cắn móng tay. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ có nguy cơ cao hơn mắc các vấn đề về tâm lý và lo lắng so với những người bình thường.

Cắn móng tay thường liên quan tới lo âu vì đây được cho là hành động giúp làm giảm căng thẳng, áp lực hoặc buồn chán. Những người có thói quen cắn móng tay cho biết, họ thường xuyên làm như vậy khi cảm thấy lo lắng, bồn chồn, bứt rứt một việc gì đó hoặc đôi khi chỉ đơn giản là đói.

Mặc dù nghiện cắn móng tay có thể xảy ra mà không có triệu chứng của các bệnh lý tâm thần khác nhưng nó có thể liên quan đến: Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn chống đối, rối loạn Tics…

Tóm lại, nghiện cắn móng tay có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm: di truyền, tâm lý và hành vi.

Một số biện pháp khắc phục

Theo cách truyền thống, để khắc phục tình trạng cắn móng tay, mọi người thường dùng biện pháp bôi các sản phẩm có vị đắng lên móng tay hoặc các biện pháp mang thiên hướng tạo rào cản giữa miệng và móng tay như đeo găng tay,... Tuy nhiên đây chỉ là các giải pháp mang tính chất tạm thời.

Với những trường hợp nghiện cắn móng tay “nặng” thì đều cần đến phương pháp điều trị chuyên nghiệp hơn, đặc biệt tập trung vào việc xác định các yếu tố kích thích và quản lý cảm xúc liên quan tới cắn móng tay.

Để điều trị nghiện cắn móng tay hiệu quả, người bệnh cần hợp tác tích cực với chuyên gia. Đồng thời, sự ủng hộ của gia đình và bạn bè cũng rất quan trọng trong quá trình này. Do đó, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ tâm lý khi nhận thấy có những dấu hiệu trên để có hướng điều trị hiệu quả, kịp thời.

 
Hà Chi (Theo Psychology Today)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh