Đưa Việt Nam thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị ngày 9/11.

Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất thực phẩm chức năng

Phát triển công nghệ sinh học: Không thể thiếu thực phẩm chức năng

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và cú hích của ngành TPCN

Bộ Chính trị ra Nghị quyết về Xây dựng ngành công nghiệp sinh học

Ngày 9/11, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức “Hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW và định hướng phát triển KH&CN trong lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, để đưa công nghệ sinh học trở thành ngành mũi nhọn theo định hướng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, Bộ KH&CN được giao xây dựng và đã được Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023.

Nghị quyết 36-NQ/TW xác định mục tiêu tập trung phát triển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Đồng thời, xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.

Theo Bộ trưởng, sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ KH&CN đã dự thảo và trình Chính phủ Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các Nghị quyết của Tỉnh ủy tổ chức triển khai với nhiều mục tiêu rất cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Kế hoạch nhằm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, trong đó, đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế ứng dụng công nghệ sinh học một cách rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, nhằm thay đổi căn bản trong các ngành sản xuất, đặc biệt các ngành tỉnh có thế mạnh như nông nghiệp, y dược; đóng góp 5-7% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn tỉnh.

Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia tại khu vực miền Trung có cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, nhân lực đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ của nền công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao; đóng góp 7 - 10% vào GRDP toàn tỉnh.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh: Nghị quyết 36-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng, xác định chủ trương của Đảng đối với một trong các lĩnh vực KH&CN đóng góp lớn tiềm lực KH&CN quốc gia.

Thời gian qua, Bộ KH&CN đã tập trung, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030 có nội dung liên quan đến công nghệ sinh học, trong đó, trọng tâm là 3 chương trình quốc gia: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe"; “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hoá dược và dược phẩm” và “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học”.

Lần đầu tiên Bộ Chính trị đưa ra một Nghị quyết có liên quan trực tiếp tới ngành thực phẩm chức năng 

DS Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam chia sẻ về ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành thực phẩm chức năng vào tháng 9/2023 - Ảnh: Hiệp Nguyễn/sức khỏe+

DS Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam chia sẻ về ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành thực phẩm chức năng vào tháng 9/2023 - Ảnh: Hiệp Nguyễn/sức khỏe+

Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, tại một buổi Hội thảo khoa học do Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) tổ chức, DS Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã chia sẻ về giá trị kinh tế cũng như vai trò quan trọng của ngành thực phẩm chức năng trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tại Việt Nam.

Theo DS Nguyễn Xuân Hoàng, tại Nghị quyết 36-NQ/TW có nêu rõ, một trong các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế là: Tập trung nghiên cứu, sản xuất thuốc, vaccine đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; Nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ gene, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược. 

DS Nguyễn Xuân Hoàng đánh giá, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị đưa ra một Nghị quyết có trực tiếp nhắc tới thực phẩm chức năng.

Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu Châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học.

Phó Chủ tịch VAFF cho rằng đây là một thách thức rất lớn. Nền tảng trong ngành công nghệ sinh học Việt Nam mới đang dừng lại ở mức tiềm năng với nguồn dược liệu phong phú, đa dạng sinh học. Yếu tố công nghệ còn cần đầu tư nhiều hơn nữa, đặc biệt là đầu tư cho các doanh nghiệp và viện nghiên cứu.

Thực hiện nghiêm túc chủ trương, Nghị quyết của Bộ Chính trị, VAFF đã yêu cầu các doanh nghiệp trong Hiệp hội, đặc biệt là Viện thực phẩm chức năng tập trung nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học.

Phó Chủ tịch VAFF nhận định, đây sẽ là "cú hích" với kinh tế Việt Nam cũng như tạo cơ hội phát triển công nghệ sinh học. Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất thực phẩm chức năng có thể đem lại tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng lớn, đồng thời tiến đến hiện thực hóa Nghị quyết 36-NQ/TW.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn