Đại danh y, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Gợi ý 4 mâm cỗ cúng mùng 1 Tết đẹp mắt ai cũng mê
Đi dọc bản Mường Hòa Bình
Kỳ vọng sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới trong năm 2023
Người cao tuổi, tăng huyết áp cần lưu ý gì trong ngày Tết?
Tết đến, Xuân về là dịp sum họp, gặp gỡ, giao lưu của mỗi gia đình, làng xóm, khối phố. Ngày xưa, ngày Tết gắn liền với “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, từng nhà, từng người gắn bó với nhau chủ yếu trong không gian gia đình, họ mạc. Ngày nay, đời sống nhân dân đã khấm khá hơn, văn minh hơn nên không chỉ là “ăn Tết” mà còn cả “chơi Tết”, không chỉ về quê đoàn tụ mà còn có việc đi du lịch, thăm thú ở trong và ngoài nước.
Nhưng dù chuyển biến và thay đổi đến đâu, bên cạnh niềm bâng khuâng đầy chất thơ “Trời đã Tết. Khói xanh mờ bụi nước/Góc vườn con hoa mận đã đơm khuy” (Thạch Quỳ) thì vẫn có những “chất thực”, những hương vị quen thuộc trở thành truyền thống là bánh chưng xanh, rượu, thịt, các sản vật đặc sắc; không thể thiếu những lời chúc tụng, “cụng ly, cụng chén” vui vẻ, ấm cúng, chan hòa. Vấn đề đặt ra là ngày Tết vui vầy, chỉ nhấp một, rồi vài, lên dăm ba, lên chục lần chén rượu xuân là… say sưa, là quá mức so với bình thường. Rồi chuyện ăn uống, sinh hoạt, đi lại, chuyện trời đổ nắng hay mưa rét dầm dề đều có thể là nguồn cơn của bất cứ chuyện gì liên quan đến sức khỏe, nhất là người già, em nhỏ.
Vì thế, vui ngày Tết làm sao cho trọn vẹn, thực sự ý nghĩa, bảo đảm sức khỏe là điều mọi người phải hết sức chú ý…
Cuốn sách Vệ sinh quyết yếu của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được NXB Y học xuất bản cho mọi người cùng tham khảo cách "Kéo dài ngày Xuân", thêm trường thọ.
Nhân đây, xin nhắc lại “10 điều răn của Hải Thượng Lãn Ông để có được trăm năm thọ trường”, để “kéo dài ngày xuân” như Đại Danh Y - nhà thơ Lê Hữu Trác đã viết trong bài “Vệ sinh quyết yếu”. Người tinh thông y học, dịch lý, văn chương, người kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư, Đại Danh Y Lê Hữu Trác viết bằng “tấc lòng tâm niệm”, dễ đọc, dễ hiểu, dễ làm theo để mong mọi người dưỡng sinh, nâng cao sức khỏe ngày thường cũng như ngày hội, ngày Tết. Mười điều răn đó bao gồm (trích):
Thứ nhất: làm lụng, hai là nghỉ ngơi
Ba là đừng trái tiết trời
Xông pha mưa gió nắng nôi lạnh lùng
Còn khi dịch lệ cuồng phong
Biết chừng mà tránh, mà phòng mới yên
Thứ tư thị hiếu chớ quên
Mắt trông ham muốn, lòng quên cương thường
Sinh ra làm bậy, làm xằng
Chữ “tham” sánh với chữ “thâm” một vần
Năm là cần phải thủ chân
Giữ lòng trong sạch cho thần được yên...
Sáu là ngủ dậy theo thời
Luyện thân, luyện khí đứng ngồi thong dong
Làm cho khí huyết lưu thông
Chân tay cứng cáp trong lòng thảnh thơi
Bảy: răm tửu sắc chơi bời
Thỏa lòng chốc lát cuộc đời ngắn đi...
Tám: cần ăn uống hàng đầu
Nhưng đừng quá bội mà đau dạ dày
Kiêng ăn các thứ đắng cay
Các thứ sống lạnh tích dầu khó tiêu
Chín là nằm ngủ thuận chiều...
Mười nên tắm giặt cho liền
Ra ngoài dù, nón không quên trên đầu
Đề phòng hàn thấp nhiễm vào
Áo quần ấm áp, tà nào dám xâm...
Những điều răn đơn giản, nhẹ nhàng mà thấm sâu theo thời gian, theo từng thế hệ người Việt trong cuộc sống, để giúp con người Việt Nam luôn khỏe mạnh, cường tráng “trăm năm thọ trường”, luôn “kéo dài ngày xuân” đủ sức làm chủ cuộc sống, đủ sức chống chọi với thiên tai, giặc dã, dịch bệnh. Được biết nhiều di sản quý báu mà cha ông ta để lại, trong đó có di sản về nghề thuốc nam, về văn thơ của Đại Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được người sau vô cùng yêu thích và vận dụng nhuần nhuyễn trong thực tiễn.
Ngày Tết, ôn lại truyền thống văn hóa được cha ông ta truyền lại, càng thêm yêu, thêm quý mảnh đất này. Để trong lòng lại dâng tràn tình yêu quê hương, xứ sở, yêu con người “là hoa của đất”, yêu cuộc sống như cách nhà thơ Thạch Quỳ từng thổ lộ qua hai câu dẫn ở đầu bài và hai câu tiếp trong bài “Đợi em ngày áp Tết".
Lòng như đất lặng thầm mơ dấu guốc
Cỏ thanh thiên hoa trắng đợi em về”
Bình luận của bạn