Thanh thiếu niên ở đô thị cần không gian xanh

Tiếp xúc với không gian xanh giúp trẻ vị thành niên ở đô thị bớt lo âu, stress

Thực hiện quy tắc “3-3-3” để giảm lo âu và cải thiện sức khỏe tinh thần

Những lợi ích bất ngờ khi nuôi cá cảnh

Ăn đậu tằm giúp cải thiện sức khỏe tinh thần

Mạng xã hội và mối nguy hại tới sức khỏe giới trẻ

Tắm rừng (Shinrin-yoku trong tiếng Nhật hoặc forest bathing trong tiếng Anh) là liệu pháp chữa lành bằng cách dành thời gian đắm mình trong rừng và những không gian nhiều cây cối. Theo nghiên cứu tại Đại học Waterloo (Canada), liệu pháp này có thể giúp người trẻ tuổi giải tỏa stress, đồng thời cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng dữ liệu thực tế về phản ứng của trẻ vị thành niên với các không gian đô thị khác nhau như: Ga tàu điện ngầm, đường phố, công viên, sông hồ… Kết quả cho thấy, các không gian tự nhiên trong lòng đô thị đem lại tác động tích cực cao hơn đáng kể với sức khỏe tinh thần.

Theo PGS. Leia Minaker – Giám đốc Sáng kiến Thành phố Tương lai của Đại học Waterloo, đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy mức độ lo âu ở trẻ giảm đáng kể khi tiếp xúc với không gian xanh như công viên. Cụ thể, khi trẻ đứng gần hoặc ngắm nhìn hồ nước trong lòng thành phố khoảng 2-3 phút, thang điểm lo âu giảm 9%. Trái lại, khi đứng giữa một khu phố nhộn nhịp đông đúc, thang điểm lại tăng 13%.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, các mẫu trang trí mang cảm hứng thiên nhiên, hoặc các yếu tố cảnh quan tự nhiên trong đô thị như vườn, cây xanh, hồ nước… đều góp phần cải thiện những trải nghiệm cảm xúc tích cực cho giới trẻ.

Đô thị có nhiều không gian xanh dễ tiếp cận giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho giới trẻ

Đô thị có nhiều không gian xanh dễ tiếp cận giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho giới trẻ

Dù vậy, nếu người trưởng thành thường tập thể dục hoặc đi bộ ở công viên, thanh thiếu niên thường có các hoạt động đặc biệt khác như tụ tập, trượt ván ở các không gian xanh đô thị.

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, trầm cảmrối loạn lo âu cũng vươn lên nhóm đầu trong các nguyên nhân gây bệnh ở trẻ vị thành niên. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc xem xét tác động của môi trường đô thị tới giới trẻ.

PGS. Minaker nhấn mạnh: “Trẻ tuổi teen (13-19) thường không được tham gia đóng góp về các quyết định của thành phố nơi họ sinh sống. Tuy nhiên, những trải nghiệm tuổi thơ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và nguy cơ bệnh tật sau này”. Do đó, lắng nghe ý kiến của giới trẻ có ý nghĩa quan trọng với công tác thiết kế đô thị vì sức khỏe và sự bền vững.

Theo Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản, liệu pháp tắm rừng có vai trò to lớn trong hoạt động chăm sóc sức khỏe dự phòng tại Nhật Bản. Thông thường, bạn sẽ cần đi tới một khu rừng gần nhất để đi dạo dưới tán cây, tận hưởng môi trường và các yếu tố của tự nhiên như tiếng chim hót, mùi cỏ cây, hít thở không khí trong lành và quên đi nhịp sống hối hả.

Nghiên cứu tại Viện Phát triển con người Max Planck (Đức) cho thấy, lắng nghe tiếng chim hót giúp giảm mức độ lo âu, trầm cảm và chứng paranoia (cảm giác bị đe dọa, theo dõi) hiệu quả hơn so với âm thanh xe cộ. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định, các không gian xanh ở đô thị như công viên, cây xanh trên phố đem lại nhiều lợi ích, trong đó có bảo vệ sức khỏe tinh thần. 

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ