Lý giải hiện tượng giật mình khi đang ngủ

Giật mình trong khi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ

Tim đập nhanh, giật mình khi ngủ có nguy hiểm không?

Giật mình vì độ nguy hiểm của biến chứng viêm niệu đạo ở nam giới

Video: "Giật mình" với tác hại của mỡ bụng!

Giấc ngủ ngon có thể kéo dài tuổi thọ

Khi chìm vào giấc ngủ, nhiều người cảm thấy cơ thể đang rơi xuống, buộc bạn phải giật mình thức dậy. Một số người nói họ bị giật mình tỉnh táo bởi một tiếng nổ lớn hoặc ánh sáng chói phát ra từ trong đầu, trong khi những người khác mô tả cơ bắp của họ vô tình co giật.

 

Chứng giật mình trong khi ngủ là những cơn co giật cơ trong vô thức khi cơ thể chuyển đổi giữa trạng thái tỉnh táo sang trạng thái ngủ. Điều này xảy ra tự nhiên và thường ảnh hưởng đến một bên cơ thể (như một bên tay hay một bên chân). Cơ sẽ bị giật nhẹ một hoặc nhiều lần cho đến khi thư giãn. Theo các nhà khoa học, trải nghiệm này có thể đi kèm với nhịp tim nhanh, thở nhanh hơn, đổ mồ hôi hoặc ảo giác.

Ông Raj Dasgupta, Phó giáo sư y học lâm sàng tại Trường Y khoa Keck, Đại học Nam California (Mỹ), cho biết cơn giật cơ đầu giấc ngủ (Hypnagogic Jerk) là hiện tượng bình thường có thể xảy ra với đàn ông và phụ nữ ở mọi lứa tuổi, thường không có gì đáng lo ngại.

“Người ta ước tính gần 70% dân số trải qua giật cơ khi ngủ vào một thời điểm nào đó. Về mặt y học, giật cơ khi ngủ là một loại rung giật cơ, chuyển động cơ bắp nhanh chóng, không chủ ý. Một ví dụ điển hình của chứng giật cơ là nấc cụt”, ông Raj Dasgupta nói.

Đến nay, chưa ai biết chính xác lý do cơ thể co giật khi ngủ, nhưng các chuyên gia cho rằng uống quá nhiều caffeine và căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần có thể làm tăng tần suất giật cơ.

Theo ông Raj Dasgupta, không có cách điều trị tình trạng này và chúng thường vô hại. Tuy nhiên, bạn cần gặp bác sỹ nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây: Giật cơ nhiều lần trong ngày, chấn thương do giật cơ khi ngủ, cắn vào lưỡi hoặc miệng khi ngủ hoặc tè dầm.

Cách khắc phục thế nào?

Đối với bất kỳ ai bị làm phiền bởi tình trạng giật cơ khi ngủ, ông Raj Dasguta có các đề xuất sau:

Giảm lượng caffeine: Uống ít caffeine hơn trong ngày giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ tổng thể, đặc biệt nếu bạn tránh caffeine vào cuối buổi chiều và ban đêm.

Tránh hoặc giảm uống rượu gần giờ đi ngủ: Rượu có thể khiến bạn buồn ngủ nhưng khi cơ thể chuyển hóa xong rượu, bạn sẽ tỉnh giấc, điển hình là vào nửa đêm. Điều đó làm tăng sự mệt mỏi, khiến bạn dễ bị giật mình hơn.

Thử thiền và chánh niệm trước khi đi ngủ: Thư giãn cơ thể giúp quá trình chuyển đổi dễ dàng hơn vào giấc ngủ, khiến cơ bắp của bạn ít co giật hơn. Ngoài ra, một trong những cách tốt nhất để giúp bạn chìm vào giấc ngủ là tập trung vào hơi thở. Bài tập thở để ngủ có hiệu quả với nhiều người bao gồm thở chậm và sâu.

Giữ thói quen đi ngủ: Giấc ngủ ngon nhất cần có giờ đi ngủ cố định, ngay cả vào cuối tuần và ngày lễ. Ngoài ra, bạn nên tránh ánh sáng từ tivi, máy tính hoặc điện thoại thông minh có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Lê Tuyết (Theo CNN Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp