Tầm quan trọng của giấc ngủ với thanh thiếu niên

Điều chỉnh giờ học muộn hơn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ và tâm trạng - Ảnh: NBC

Infographic: 7 điều nên làm để có giấc ngủ sâu

Mối liên hệ giữa giấc ngủ và hạnh phúc

Cách giúp trẻ tự kỷ có giấc ngủ ngon

Làm thế nào để trẻ ngủ ngon giấc, an toàn?

Tại Mỹ, thanh thiếu niên (tuổi từ 13-19) là một trong những nhóm người thiếu ngủ trầm trọng nhất. Nghiên cứu cho thấy, giấc ngủ của trẻ tuổi teen thiếu cả về chất lượng lẫn số lượng. Chúng ta có thể đổ lỗi cho điện thoại di động và các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng, khiến trẻ thao thức về đêm. Tuy nhiên, đi ngủ muộn chỉ là một mặt của vấn đề. Ngoài công nghệ, một yếu tố gây tranh cãi nhưng góp phần không nhỏ vào tình trạng "buồn ngủ" tập thể này là do: Giờ vào học quá sớm.

Trong những thập kỷ qua, các nhà Nghiên cứu đã thu thập hàng loạt bằng chứng cho thấy, lùi giờ học buổi sáng tại bậc Trung học sẽ đem lại nhiều lợi ích cho trẻ vị thành niên, cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) và nhiều tổ chức y tế khác cũng ủng hộ lùi giờ học buổi sáng.

Tuy nhiên, còn nhiều ngôi trường "ngại" thay đổi giờ vào học, vì những lý do về tài chính, tổ chức và đưa đón, cũng như yếu tố văn hóa. Điều này không hề công bằng với thanh thiếu niên. Đội ngũ biên tập của tạp chí Scientific American nhận định rằng, cả một thế hệ học sinh hiện nay đang phải cố gắng không bị tụt hậu do đại dịch COVID-19. Chúng ta cần ưu tiên sức khỏe và an sinh của các em bằng cách điều chỉnh giờ học. Tôn trọng nhu cầu sinh học và nhu cầu xã hội của các em sẽ giúp tạo ra những con người thích ứng tốt, có thể vươn lên trong một thế giới vốn đã đầy phức tạp và tương lai còn khó lường hơn.

Thanh thiếu niên cần ngủ khoảng 9 tiếng mỗi đêm, nhưng hiện tại, số giờ ngủ trung bình ở độ tuổi này mới gần 7 tiếng

Thanh thiếu niên cần ngủ khoảng 9 tiếng mỗi đêm, nhưng hiện tại, số giờ ngủ trung bình ở độ tuổi này mới gần 7 tiếng

Ở tuổi dậy thì, đồng hồ sinh học của trẻ có sự xê dịch vài tiếng đồng hồ. Phải đến đêm muộn trẻ mới thấy mệt, buổi sáng cũng thức dậy trễ hơn trước đây. Tuy nhiên, đến tuổi trưởng thành, sự thay đổi này lại trở về như cũ. Bản chất sinh học này cho thấy, cha mẹ yêu cầu trẻ tuổi teen "lên giường, đắp chăn" sớm không có nghĩa là trẻ sẽ vào giấc sớm hơn.

Giấc ngủ được chia làm 2 trạng thái: Chuyển động mắt chậm (gồm 3 giai đoạn N1 đến N3) và chuyển động mắt nhanh (REM). Các chuyên gia cho rằng, thanh thiếu niên hiện nay đang thiếu cả giấc ngủ REM (giai đoạn ngủ mơ) và giấc ngủ phục hồi (giai đoạn N3 kết hợp ngủ mơ). Giấc ngủ phục hồi giúp cơ thể tự chữa lành sau một ngày mệt mỏi, góp phần cải thiện chức năng miễn dịch và các quá trình sinh học khác. Trong khi đó, giấc ngủ REM giúp củng cố trí nhớ. Nếu một học sinh lớp 10 đi ngủ vào khoảng 23h và phải thức giấc lúc 6h sáng để đến trường, em đã bỏ mất vài giai đoạn ngủ chất lượng. Ngay cả việc ngủ nướng vào cuối tuần cũng không thể bù đắp các lợi ích trên.

CDC Mỹ từng theo dõi dữ liệu về số vụ tự sát ở trẻ 8-17 tuổi từ năm 2000-2020. Dựa trên công bố đó, chuyên gia tâm thần học trẻ em Tyler Black - Đại học British Columbia (Canada) phân tích và chỉ ra xu hướng: Tỷ lệ trẻ tự sát trong những ngày đi học cao hơn ngày cuối tuần và những tháng nghỉ Hè. Từ đó, chuyên gia Black kêu gọi các biện pháp cải thiện sức khỏe tinh thần cho trẻ em, trong đó có lùi giờ học buổi sáng.

Nhiều khảo sát tại Mỹ cho thấy, thanh thiếu niên lâu nay đã nói lên nhu cầu cải thiện giấc ngủ của mình. Khi một ngày đi học bắt đầu muộn hơn, các em không mệt mỏi cả ngày, thường vào lớp đúng giờ và ít cần cha mẹ rầy la mới có thể rời giường. Trái lại, khi thời gian ngủ giảm, để giữ tỉnh táo, các em dùng thuốc lá và chất kích thích nhiều hơn.

Có một thế hệ học sinh chịu nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Có một thế hệ học sinh chịu nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Nhiều nghiên cứu cho thấy, ngủ ít đi 1 tiếng mỗi ngày có liên quan tới tình trạng tăng cân. Thanh thiếu niên dễ gây tai nạn giao thông khi buồn ngủ. Và giấc ngủ chỉ dài thêm 30 phút cũng giúp cải thiện một vài vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Mặc cho những kết quả nghiên cứu sau hàng thập kỷ, trên đất Mỹ, chỉ có một vài bang và quận cho phép tiết học buổi sáng bắt đầu lúc 8h30. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu còn đề xuất khung giờ tốt hơn là 9h sáng.

Giới khoa học lên án những quan điểm cho rằng trẻ tuổi teen lười biếng, hay coi việc thèm ngủ là khuyết điểm. Nhiều phụ huynh cho rằng, thế hệ mình có thể thức dậy từ sớm thì lớp trẻ ngày nay cũng làm được. Các chuyên gia gọi cách suy nghĩ này là "nhẫn tâm và thiếu khoa học". Trước đây, thanh thiếu niên phải dậy sớm đi học, về nhà sớm để tham gia việc đồng áng. Mô hình giáo dục này không còn phù hợp với hầu hết học sinh thời nay.

Bài viết trên tạp chí Scientific American cũng ghi nhận, việc điều chỉnh giờ học sẽ kéo theo nhiều thay đổi về giờ xe đưa đón học sinh, lịch làm việc của giáo viên và người quản lý. Các hoạt động ngoại khóa sau giờ học cũng phải bắt đầu muộn hơn. Gia đình có nhiều trẻ ở tuổi đến trường cũng gặp không ít rắc rối để sắp xếp lịch trình đưa đón, chăm sóc con. Tạp chí Scientific American kêu gọi sự chung tay của xã hội, từ các nhà xây dựng chính sách, nhà quản lý đến liên minh các nhà giáo, để thay đổi giờ vào học vì lợi ích của học sinh. 

 
Quỳnh Trang (Lược dịch theo Scientific American)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ