- Chuyên đề:
- Đái tháo đường
Tập thế dục thường xuyên là một trong những cách kiểm soát đường huyết hiệu quả
Những hậu quả của bệnh đái tháo đường tới sức khỏe
Đái tháo đường 2 năm, đường huyết 8mmol/L nên điều trị thế nào?
Cà phê có thể giảm nguy cơ béo phì và bệnh đái tháo đường type 2
Bị tiền đái tháo đường đã cần phải dùng thuốc điều trị chưa?
Đái tháo đường (tiểu đường) là một tình trạng nghiêm trọng và có thể xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả. Mỗi mùa đều đặt ra những thách thức riêng cho người bệnh đái tháo đường. Với thời tiết nắng nóng, người bệnh dễ bị kiệt sức vì nóng và say nắng, bởi căn bệnh này có thể làm tổn thương mạch máu và dây thần kinh, từ đó ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi khiến cơ thể không làm mát hiệu quả. Những người mắc bệnh đái tháo đường cũng bị mất nước nhanh hơn người thường. Vì vậy, nếu không uống đủ nước hoặc tăng đường huyết (lượng đường trong máu) khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn càng gây mất nước. Bên cạnh đó, nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến việc cơ thể sử dụng insulin. Do đó, người bệnh cần kiểm tra đường huyết thường xuyên, hỏi bác sỹ để điều chỉnh liều lượng insulin và chế độ ăn uống hợp lý.
Chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ Harpreet cho biết: "Bệnh đái tháo đường đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Người bệnh có thể cảm thấy đói hoặc khát thường xuyên, do đó cần quản lý và chọn lựa những thực phẩm phù hợp khi ăn".
Theo Hindustan Times, dưới đây là 5 thay đổi lối sống trong những ngày nóng để kiểm soát bệnh đái tháo đường hiệu quả:
1. Duy trì hoạt động thể chất
Duy trì hoạt động và tránh nóng là "chìa khóa" để kiểm soát bệnh đái tháo đường trong mùa Hè. Người bệnh có thể đi bộ 30 phút vào buổi sáng và tối muộn, nên tránh ra ngoài khi trời nắng gay gắt. Thời điểm tốt nhất để đi bộ là 1-3 giờ sau khi ăn để kiểm soát tốt nhất lượng đường trong máu của bạn.
2. Ăn thực phẩm giàu chất xơ
Một chế độ ăn nhiều chất xơ có thể mang lại lợi ích đáng kể cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Thực phẩm giàu chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến. Bên cạnh đó, những thực phẩm này cũng giúp giảm cân, từ đó kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn, đồng thời phòng ngừa bệnh huyết áp, tim mạch và một số loại ung thư.
Bạn có thể thêm các loại thực phẩm như yến mạch, gạo lứt, bánh mỳ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, hạt, quả hạch, rau (bí xanh, cà rốt, cà chua)... vào chế độ ăn hàng ngày.
3. Tránh nước ngọt
Mùa Hè là mùa mọi người đổ xô đến các loại nước trái cây tươi, sinh tố và các loại đồ uống giải khát khác. Nhưng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, điều quan trọng là phải hiểu rằng nước trái cây không giàu chất xơ và hàm lượng đường tự nhiên cao có thể làm tăng mức glucose rất nhanh. Nếu bạn muốn uống nước ép trái cây vào mùa Hè, hãy đảm bảo uống nó ở mức độ vừa phải và tự làm chúng ở nhà với trái cây tươi.
4. Uống đủ nước
Nhiệt độ cao khiến cơ thể có khả năng mất nước cao hơn. Khi bị mất nước, nồng độ đường trong máu cao hơn do máu chảy qua thận ít hơn. Với lưu lượng máu ít, thận không thể loại bỏ lượng đường dư thừa trong máu để bài tiết qua nước tiểu làm tăng đường huyết. Vì vậy, khi trời nóng người bệnh đái tháo đường cần uống đủ nước, đừng đợi đến khi khát mới bổ sung.
5. Theo dõi lượng đường trong máu
Khi thời tiết nóng, bạn cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn để điều chỉnh insulin và chế độ ăn uống phù hợp. Vì nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết.
Bình luận của bạn