Một vài lưu ý để giúp bạn ngủ trở lại khi tỉnh giấc giữa đêm

Bạn không nên dùng các thiết bị điện tử khi bị tỉnh giấc giữa đêm

Chiếc đệm ảnh hưởng thế nào tới giấc ngủ của bạn?

Những rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng mà nhiều người cao tuổi phải đối mặt

8 mẹo để có giấc ngủ trưa chất lượng, giúp bạn thấy tỉnh táo hơn

Tại sao ngủ đủ giấc giúp bạn thấy khỏe mạnh, yêu đời hơn?

Dưới đây là một vài lưu ý để ngủ lại khi tỉnh giấc giữa đêm, tránh nguy cơ mất ngủ:

Hạn chế dùng các thiết bị điện tử

Khi bị tỉnh giấc giữa đêm, đừng tiện thể kiểm tra tin nhắn hay lên mạng xã hội. Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử có thể cản trở giấc ngủ, khiến bạn khó ngủ trở lại.

Tuy nhiên, nếu không thể cưỡng lại sức hút của chúng, ít nhất hãy giảm độ sáng màn hình hoặc dùng kính lọc ánh sáng xanh để hạn chế tối đa các tác hại.

Giữ phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối

Bạn có thể bật quạt để tạo tiếng ồn trắng, giúp dễ ngủ hơn

Mất ngủ vào giữa đêm thường xảy ra do bạn quá khó chịu hoặc lo lắng về vấn đề gì đó. Trên thực tế, trong suốt cả đêm, bạn sẽ trải qua nhiều chu kỳ giấc ngủ. Giữa mỗi chu kỳ giấc ngủ, bạn thường thức dậy đôi chút nhưng nhanh chóng ngủ thiếp đi. Tuy nhiên, nếu cảm thấy quá căng thẳng, stress, những lần thức giấc này có thể trở nên rõ ràng hơn và thậm chí khiến bạn tỉnh hẳn.

Do đó, nếu thường xuyên bị tỉnh giấc giữa đêm, bạn nên giữ cho phòng ngủ thật yên tĩnh và tối. Điều này sẽ giúp thư giãn tốt hơn, giúp bạn dễ ngủ trở lại. Nếu sống tại những nơi ồn ào, bạn có thể dùng tiếng ồn trắng (white noise) ví dụ như tiếng quạt, tiếng mưa… để át đi những âm thanh khó chịu.

Dùng rèm cửa dày hoặc mặt nạ ngủ cũng là những cách đơn giản để ngăn ánh sáng lọt vào phòng ngủ gây mất ngủ.

Làm việc gì đó nhẹ nhàng

Nhiều chuyên gia gợi ý rằng nếu không thể ngủ lại khi tỉnh giấc giữa đêm, đừng nằm yên trên giường, hãy ngồi dậy làm điều gì đó nhẹ nhàng. Bạn có thể ngồi dậy hít thở sâu, thực hiện vài bài tập thư giãn hoặc nghe nhạc nhẹ… tới khi thấy buồn ngủ trở lại. Nếu vẫn không thể thư giãn tâm trí, bạn có thể thử đọc sách nhưng đừng bật đèn quá sáng.

Thực hiện những việc lặp đi lặp lại

Nếu sau 20 phút bạn vẫn không thể ngủ lại, hãy thử thực hiện những việc lặp đi lặp lại như đếm cừu, nhẩm lại một bài thơ, bảng cửu chương hay một bài hát với giai điệu đều đều… Sự lặp đi lặp lại này có thể giúp làm dịu tâm trí, giúp não bộ thư giãn và dần đưa bạn vào giấc ngủ.

Thư giãn cơ bắp liên tục (Progressive muscle relaxation)

Thư giãn cơ bắp liên tục là bài tập giúp thư giãn bằng cách cố tình gây căng thẳng rồi thả lỏng các nhóm cơ trên cơ thể.

Ví dụ, bạn có thể giơ một chân lên cao, nhẹ nhàng căng cơ trong khi đếm tới 5, sau đó từ từ thư giãn cơ bắp. Đồng thời, bạn cũng nên kết hợp với việc hít thở sâu, ví dụ như kỹ thuật thở 4-7-8 để thư giãn, giảm căng thẳng. Kỹ thuật thở 4-7-8 được thực hiện bằng cách hít vào trong vòng 4 giây, giữ hơi thở trong vòng 7 giây và thở ra từ từ trong vòng 8 giây.

Bên cạnh những cách trên, bạn cũng nên hạn chế uống rượu bia, bỏ hút thuốc lá để có thể nhanh chóng ngủ lại khi tỉnh giấc giữa đêm. Các chất kích thích trong thuốc lá, rượu bia có thể ảnh hưởng xấu đến nhịp sinh học tự nhiên, khiến bạn khó ngủ hơn.
Vi Bùi H+ (Theo Thehealthy)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp