Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt 74,5 tuổi

  • Chuyên đề:
  • dev

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới (11/7/2024) - Ảnh: MOH.

Già hóa nhanh, “ngại” sinh con – thách thức về vấn đề dân số thế giới

Dân số - Một cái nhìn lạc quan

Đến tuổi 75, một nửa dân số mắc rối loạn sức khỏe tâm thần

Ngày Dân số Thế giới năm 2023 và lời nhắc cho hơn 8 tỷ người

Nhân Ngày Dân số thế giới (11/7), Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng để cùng nhìn lại những tiến bộ toàn cầu trong quá trình thực hiện cam kết về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và các quyền, thảo luận những ưu tiên nhằm giải quyết những vấn đề đang còn tồn đọng trong bối cảnh nhân khẩu học thay đổi nhanh chóng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong 30 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về thực trạng kinh tế - xã hội giữa các vùng cũng như các nhóm dân cư.

Cụ thể, chỉ số phát triển con người được cải thiện đáng kể và đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới. Thể hiện rõ nhất là tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em giảm mạnh.

Tỷ suất tử vong mẹ đã giảm 6 lần trong 30 năm qua, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn khoảng 40/100.000 trẻ đẻ sống những năm gần đây. Từ năm 1993, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng giảm từ 43,3 xuống 12,1 trên 1.000 trẻ đẻ sống năm 2020.

Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Lễ mít tinh - Ảnh: MOH

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Lễ mít tinh - Ảnh: MOH

Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong việc bảo đảm tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai và từng bước mở rộng. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từng bước được củng cố và phát triển.

Tốc độ gia tăng dân số nhanh cũng đã được Việt Nam khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm từ 1,7% giai đoạn 1989-1999 xuống 1,14% giai đoạn 2009-2019. Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tổng tỷ suất sinh (TFR) được duy trì ở mức 2,0 - 2,1 con/phụ nữ trong suốt thời gian qua.

Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực theo hướng dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, từ 56,1% năm 1989 lên 67,5% năm 2023. Việt Nam bước vào thời kỳ "dân số vàng" từ 2007 với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và cần được tiếp tục đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm, nâng cao năng suất lao động, hướng tới phát triển bền vững.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp. Tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già.

Tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao sẽ dẫn tới nguy cơ mất cân bằng giới tính. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục. Tỷ lệ mang thai ở người chưa thành niên còn cao, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên... 

Để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW, Chiến lược Dân số Việt Nam cũng như mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, Bộ Y tế đã lựa chọn chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay là “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và  đầu tư cho công tác dân số của Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Lo ngại về mức sinh ở Việt Nam đang giảm xuống thấp và dự báo còn tiếp tục giảm - Ảnh: Hiệp Nguyễn/sức khỏe+

Lo ngại về mức sinh ở Việt Nam đang giảm xuống thấp và dự báo còn tiếp tục giảm - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+

Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch hành động, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và nhiều chương trình, đề án, kế hoạch can thiệp cụ thể để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW là: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ: "Việt Nam mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, phái đoàn ngoại giao các nước và cộng đồng quốc tế chia sẻ, hỗ trợ để giải quyết hiệu quả trong việc ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp và già hóa dân số nhanh".

Tại lễ mít tinh, bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, cần hành động quyết liệt và ngay lập tức để đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cần thiết khi mang thai, sinh con. Đầu tư vào sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục chính là đầu tư chấm dứt đói nghèo và bất bình đẳng.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo Quốc gia về Dân số và Phát triển, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia, UBND các tỉnh, TP quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số; chỉ đạo lồng ghép các yếu tố dân số trong các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, các ngành...

Sở Y tế, Chi cục Dân số các tỉnh, TP cần tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục về dân số và phát triển.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn