Tình trạng gia tăng các ca ung thư khởi phát sớm có thể do phơi nhiễm sớm với yếu tố nguy cơ
Đột phá: Nghiên cứu tìm ra "chìa khóa" ngăn chặn ung thư di căn
7 sai lầm trong lối sống tăng nguy cơ mắc ung thư thận
Podcast: Nguy cơ ung thư đại trực tràng từ cách ăn tiết kiệm thường gặp
9 dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư buồng trứng
Đã có bằng chứng cho thấy nguyên nhân của tình trạng gia tăng các ca ung thư khởi phát sớm có thể tới từ việc phơi nhiễm sớm với các yếu tố gây ung thư, ngay từ những năm tháng đầu đời cho tới khi trưởng thành. Kể từ giữa thế kỷ 20, những thay đổi đáng kể qua nhiều thế hệ trong việc phơi nhiễm với các yếu tố gây ung thư đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Những yếu tố này có thể bao gồm thay đổi trong chế độ ăn uống, lối sống, béo phì, yếu tố môi trường và hệ vi khuẩn đường ruột… Tất cả đều có thể tương tác với tính nhạy cảm về gene, yếu tố di truyền.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ ở từng cá nhân vẫn chưa được làm rõ. Để nghiên cứu mức độ phơi nhiễm trong giai đoạn đầu đời và ý nghĩa của chúng đối với nhiều dạng bệnh ung thư khác nhau, các nhà khoa học nhận định sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn nữa.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học chỉ mô tả những thay đổi về tỷ lệ mắc ung thư khởi phát sớm trên toàn cầu, từ đó để xuất các biện pháp có thể được thực hiện để làm giảm gánh nặng của bệnh bệnh ung thư nói riêng và các bệnh mạn tính không lây nói chung khác.
Theo các nhà khoa học Mỹ, ngay cả sau khi đã được điều trị tích cực, những người từng bị ung thư khởi phát sớm vẫn có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề sức khỏe về lâu dài, ví dụ như vô sinh, bệnh tim mạch và ung thư thứ phát.
Do gánh nặng ung thư ngày càng tăng ở những người trẻ tuổi, tình trạng này có thể được gọi là “đại dịch ung thư khởi phát sớm”. Viện Ung thư Quốc gia (Mỹ) cũng đã khuyến cáo tình trạng này cần được ưu tiên thực hiện nhiều nghiên cứu hơn, nhằm tìm ra được sự khác biệt về dịch tễ học, các đặc điểm lâm sàng, bệnh lý… giữa ung thư khởi phát sớm và khởi phát muộn.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến khích cần xem xét sự phân bố khác nhau về độ tuổi khi chẩn đoán ung thư ở từng vị trí khác nhau trong cơ thể. Các lựa chọn sàng lọc và điều trị theo nhóm tuổi cũng sẽ khác nhau, tùy theo vị trí của khối u.
Các bằng chứng ở thời điểm hiện tại
Tỷ lệ mắc ung thư khởi phát sớm ngày càng tăng có lẽ một phần là do tăng cường sàng lọc và phát hiện sớm trước tuổi 50. Điều này đặc biệt đúng với một số dạng ung thư như ung thư vú, tuyến tiền liệt và tuyến giáp. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh ung thư khởi phát sớm ở một số cơ quan trong cơ thể thật sự đang có xu hướng ngày càng tăng, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng và tuyến tụy. Điều này có thể phản ánh mức độ phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ gia tăng trong giai đoạn đầu đời và/hoặc khi còn nhỏ (dưới 19 tuổi).
Nhiều bằng chứng cho thấy giai đoạn sớm nhất của quá trình gây ung thư có thể bắt đầu ở giai đoạn đầu đời, trẻ nhỏ, sau đó là khoảng thời gian lên tới vài thập kỷ khi các tổn thương tế bào ban đầu dần tiến triển thành ung thư lâm sàng. Nhiều chuyên gia cho rằng ngay cả việc phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ từ khi còn là bào thai cũng có thể dẫn tới các thay đổi ở mức độ tế bào, từ đó tác động tới khả năng mắc các bệnh mạn tính về lâu dài.
Ví dụ, dữ liệu từ các nhà khoa học Hà Lan cho thấy việc người mẹ có chế độ ăn uống hạn chế từ trước khi sinh có liên quan đến việc tăng nguy cơ lâu dài về một số vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh mạch vành và ung thư vú ở con khi trưởng thành. Tương tự như vậy, dữ liệu từ Nghiên cứu Phát triển và Sức khỏe Trẻ em (Mỹ) cho thấy tình trạng béo phì của người mẹ có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng ở con cái. Dữ liệu từ một nghiên cứu khác cho thấy mối liên hệ giữa cân nặng khi sinh và nguy cơ ung thư ruột kết ở tuổi trưởng thành.
Theo đó, ung thư khởi phát sớm có thể xảy ra do những thay đổi trong mô hình phơi nhiễn với các yếu tố nguy cơ ở giai đoạn đầu đời, và/hoặc độ tuổi trẻ, dù các phân tích toàn diện về các yếu tố nguy cơ cá nhân ở những giai đoạn này vẫn còn hạn chế.
Xu hướng phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ gây ung thư
Kể từ giữa thế kỷ 20, các nhà khoa học nhận thấy có sự thay đổi đáng kể về xu hướng phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời và tuổi trưởng thành. Họ cho rằng đây là lý do dẫn tới tỷ lệ mắc ung thư khởi phát sớm bắt đầu tăng lên từ những năm 1990.
Theo đó, việc chiều cao trung bình tăng, tình trạng thừa cân - béo phì, đái tháo đường type 2, ít hoạt động thể chất, chế độ ăn kiểu phương Tây (được định nghĩa là chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đường và các thực phẩm “siêu” chế biến; Nhưng ít trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ), uống nhiều đồ uống có đường… đều là các yếu tố mới có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ khác như: Mức độ uống rượu bia; Thói quen hút thuốc lá (hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động); Chu kỳ giấc ngủ và mức độ tiếp xúc với ánh sáng về đêm; Các yếu tố liên quan tới việc sinh sản (như tuổi bắt đầu có kinh ở phụ nữ, tổng số lần sinh nở trong đời hay việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống); Việc sử dụng rộng rãi sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh...
Đặc biệt, sự thay đổi với hệ vi khuẩn trong cơ thể cũng là một yếu tố góp phần đáng chú ý tới sự phát triển của khối u. Theo đó, trong số 14 dạng bệnh ung thư khởi phát sớm đang có xu hướng ngày càng tăng, có 8 dạng (ung thư đại trực tràng, thực quản, ống mật ngoài gan, túi mật, đầu và cổ, gan, tuyến tụy, dạ dày) có liên quan đến hệ thống tiêu hóa (bao gồm cả đường miệng và đường ruột).
Các yếu tố dinh dưỡng, lối sống và việc sử dụng kháng sinh đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các bệnh mạn tính khác, thông qua các cơ chế sinh lý khác nhau, bao gồm cả sự thay đổi của hệ vi sinh vật trong cơ thể. Hệ vi khuẩn đường ruột còn được biết tới với mối liên hệ mật thiết với hệ miễn dịch. Do đó, nghiên cứu về tương tác miễn dịch - vi khuẩn - khối u là một hướng đi mới, có thể mang tới những hiểu biết sâu sắc hơn về các căn nguyên gây bệnh ung thư.
Dù dữ liệu hiện có về tỷ lệ mắc ung thư khởi phát sớm ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình hiện còn hạn chế, song tỷ lệ mắc bệnh ở các quốc gia này lại có xu hướng gia tăng, có thể dẫn tới “đại dịch” ung thư khởi phát sớm trên toàn cầu. Để góp phần kiểm soát tình trạng này, ngoài việc tập trung thêm vào nghiên cứu, các chuyên gia khuyến khích những tiến bộ trong công nghệ kết hợp trí tuệ nhân tạo, cũng như nâng cao nhận thức của cả cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa bệnh.
Việc cải thiện hiểu biết về sức khỏe, đưa ra các biện pháp can thiệp nhằm thúc đẩy lối sống lành mạnh (bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh) có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Ngoài những nỗ lực phòng ngừa cá nhân, các biện pháp can thiệp mang tính hệ thống nhằm thúc đẩy việc sàng lọc và lối sống lành mạnh hơn ở cấp độ xã hội (chẳng hạn như quy định về các ngành sản xuất thuốc lá, thực phẩm và đồ uống “siêu” chế biến) có thể có tác động đến nguy cơ ung thư khởi phát sớm.
Bình luận của bạn