Người cao tuổi sẽ được chăm sóc tốt hơn

Chăm sóc, phụng dưỡng người già là nghĩa vụ của tất cả mọi người

Khám bệnh miễn phí cho hơn 1.000 người cao tuổi

Phòng tránh bệnh đường hô hấp cho người cao tuổi

7 bệnh người cao tuổi thường mắc

Già thì suy giảm những gì?

Già hóa dân số nhanh: Cần quan tâm hơn nữa đến người cao tuổi

Theo thông tin được bà Ritsu Nacken - Phó Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đưa ra, hiện nay tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi tại Việt Nam chưa cao, trung bình mỗi người phải chịu 15,3 năm bị bệnh tật trong cuộc đời. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (2010) thì tỷ lệ người cao tuổi so với tổng dân số ở Việt Nam sẽ đạt đến con số 10% vào năm 2017, hay dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn "già hóa" từ năm 2017. Giống như việc gia tăng dân số, dân số già hóa cũng gây ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế cũng như hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội.

Theo các chuyên gia, già hóa dân số mang đến những cơ hội cũng như nhiều thách thức lớn, đòi hỏi các phương thức tiếp cận mới về y tế, tuổi nghỉ hưu và lương hưu, môi trường xã hội và hòa đồng giữa các thế hệ. Tuy nhiên, người cao tuổi nếu như được hỗ trợ đúng đắn có thể tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và đất nước. Người cao tuổi Việt Nam phải chịu gánh nặng bệnh tật kép, trong đó đã có sự thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và các bệnh mạn tính và các bệnh mới như ung thư, trầm cảm...

Dân số già hóa kéo theo nhiều bệnh mạn tính

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tại cuộc họp với các thành viên Ủy ban (sáng 20/3) đã giao Bộ Y tế tiếp tục kiện toàn và thành lập khoa Lão khoa trong các bệnh viện; Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày càng tốt hơn.

"Chú trọng công tác chăm sóc người cao tuổi, để người cao tuổi sống vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc, từ đó phát huy ngày càng tốt vai trò trong mọi hoạt động xã hội là nhiệm vụ của lớp con cháu chúng ta". - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Cụ thể:

Bộ VH - TT&DL có các biện pháp khuyến khích, nhân rộng các loại hình sinh hoạt, mô hình câu lạc bộ giúp người cao tuổi rèn luyện, nâng cao sức khỏe và tinh thần; Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện giảm giá vé theo quy định và khuyến khích thực hiện các biện pháp ưu tiên khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi được tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Bộ LĐ - TB&XH quy hoạch và từng bước triển khai mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng mở rộng, tăng cường xã hội hóa; Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về lợi ích của các cơ sở này đối với cá nhân người cao tuổi, gia đình và xã hội và phát huy vai trò người cao tuổi.

Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan rà soát chế độ, chính sách liên quan đến người cao tuổi để đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc đẩy mạnh triển khai kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật vùng dân tộc thiểu số và miền núi gắn với tuyên truyền chính sách về người cao tuổi; Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chính sách người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương và tham mưu sửa đổi kịp thời các chính sách dân tộc gắn với chính sách đối với người cao tuổi.

Phó Thủ tướng đề nghị Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền về "Tháng hành động vì người cao tuổi"; Trên cơ sở đó, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

Tạo điều kiện cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe

Theo báo cáo của Bộ LĐ - TB&XH, hiện cả nước có hơn 9,4 triệu người cao tuổi, chiếm 10,45% dân số. Công tác người cao tuổi được triển khai, thực hiện khẩn trương, đều khắp ở các bộ, ngành, cơ quan, địa phương.

Qua kiểm tra cho thấy 100% người cao tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định. Đến nay cả nước có gần 2,8 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; Hơn 1,5 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, trong đó có gần 1,4 triệu người từ 80 tuổi trở lên và hơn 95.000 người cô đơn, không nơi nương tựa.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tiếp tục được quan tâm. Cả nước đã có 49/63 tỉnh, thành phố thành lập khoa Lão khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh; 270 khoa khám bệnh có buồng riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi; Gần 5.600 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; Hơn 2,3 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ…

Khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi ở Bắc Ninh (Ảnh: Bacninh.gov.vn)

Các tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi và các chính sách đối với người cao tuổi. Một số tỉnh thực hiện tốt mô hình thể dục, dưỡng sinh, văn hóa, văn nghệ, mô hình chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, mô hình "Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau" đem lại kết quả thiết thực cho người cao tuổi và cộng đồng như các tỉnh: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Bình, Hà Tĩnh… Các cấp Hội người cao tuổi đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, "Tuổi cao - gương sáng" với những hoạt động thiết thực, phát huy vai trò của người cao tuổi trong nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, khuyến học khuyến tài.

Thanh Hà H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già