Bình nước cá nhân có sạch như bạn tưởng?

Bình nước cá nhân có thể chứa nhiều mầm bệnh mà mắt thường không thể nhìn thấy

Quantum, nước uống hàng đầu cho người chơi thể thao

3 công thức nước uống đánh bay cái nóng mùa Hè

Hạt vi nhựa trong thực phẩm, nước uống có hại gì cho sức khỏe?

Nước uống cần đun sôi trong bao lâu?

Bình nước cá nhân tích tụ vi khuẩn 

Ngày càng có nhiều người nhận thức rõ hơn về tình trạng ô nhiễm nhựa và tầm quan trọng của thói quen uống đủ nước. Do đó, hàng triệu người đã chọn mang theo bình nước cá nhân làm bằng inox, thủy tinh hoặc loại nhựa an toàn (không chứa BPA) đi học, đi làm, tới phòng tập và thậm chí là đi du lịch. 

Tuy nhiên dù được ưa chuộng đến đâu, những loại bình đựng nước này vẫn tiềm ẩn rủi ro sức khỏe nếu không được vệ sinh và sử dụng đúng cách. Chúng có thể trở thành nơi lý tưởng cho vi khuẩn, nấm mốc và các vi sinh vật gây hại phát triển.  

Một thí nghiệm của chuyên trang TreadmillReviews.net phát hiện, trong các bình nước tái sử dụng có lượng vi khuẩn lớn hơn bồn rửa bát. Đa phần chúng đến từ nước bọt hoặc bàn tay người chạm vào. Các vi sinh vật phổ biến gồm E.coli, tụ cầu vàng, nấm Candida… gây ra vấn đề về tiêu hóa, nhiễm trùng da.

Môi trường ẩm ướt ở bên trong bình nước cá nhân, nhất là các dạng bình có miệng hẹp, đi kèm nắp và ống hút… tạo ra điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật phát triển. Nếu bạn sử dụng liên tục trong ngày, để bình qua đêm không rửa, những vi khuẩn có thể nhân lên nhanh chóng. 

Nấm, mốc sinh sôi trong bình nước cá nhân

Bình nước cá nhân có thể nhiễm nấm mốc nếu không được vệ sinh và phơi khô đúng cách

Bình nước cá nhân có thể nhiễm nấm mốc nếu không được vệ sinh và phơi khô đúng cách

Ngoài vi khuẩn, bình nước cá nhân còn là nơi nấm mốc ưa thích, nhất là những loại bình nắp vặn có gioăng cao su, ống hút đính kèm, hoặc các ngóc ngách dễ tích tụ độ ẩm. Bào tử nấm mốc dễ dàng hình thành trong bình nước ẩm ướt, nhất là khi bạn không rửa sạch và phơi khô hoàn toàn mà đã đóng nắp.

Sử dụng bình nước cá nhân nhiễm nấm mốc có thể gây dị ứng, vấn đề hô hấp và tiêu hóa. Theo thời gian, tiếp xúc với nấm mốc có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là với người bệnh hen phế quản, dị ứng, suy yếu miễn dịch. 

Mầm bệnh lây nhiễm chéo do thói quen vệ sinh kém

Một nguy cơ tiềm ẩn khi dùng bình nước cá nhân là thói quen sử dụng không đảm bảo vệ sinh. Dùng chung bình nước với người khác có thể làm lây nhiễm mầm bệnh qua miệng bình, ống hút hoặc bàn tay chạm vào bề mặt bình. 

Bảo quản bình nước cá nhân ở nơi không đảm bảo vệ sinh như túi đồ tập thể dục, tủ đồ dùng chung… cũng tạo điều kiện lây nhiễm chéo vi khuẩn. Đáng lo ngại hơn cả là những loại bình nước dùng để đựng nước uống thể thao, sinh tố hoặc bột protein. Hàm lượng đường cao trong thức uống này kích thích vi sinh vật phát triển nhanh chóng trong bình nước nếu không kịp vệ sinh.

Sử dụng và bảo quản bình nước cá nhân đúng cách

Rửa bình nước hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng, sử dụng bàn chải nhỏ để cọ rửa kỹ lòng bình

Rửa bình nước hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng, sử dụng bàn chải nhỏ để cọ rửa kỹ lòng bình

Để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh từ bình nước cá nhân, người tiêu dùng nên rửa bình hàng ngày với nước ấm, xà phòng và bàn chải chuyên dụng. Nhờ đó, bề mặt bên trong bình, đặc biệt là những ngóc ngách dễ bám bẩn cũng được chà rửa kỹ càng. Các bộ phận như ống hút, nắp rời, gioăng silicone cần được tháo ra và vệ sinh riêng.

Một đến hai lần mỗi tuần, bạn cũng nên ngâm bình nước trong dung dịch giấm trắng pha loãng, hoặc ngâm trong baking soda và nước nóng để loại bỏ mùi hôi, cặn bẩn trong bình. Một số loại bình nước cá nhân có thể cho vào máy rửa bát theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Sau khi làm sạch, hãy phơi khô bình nước bằng cách mở nắp, úp ngược trên giá. Cách làm này ngăn ngừa độ ẩm tích tụ trên trong bình, gây ra nấm mốc. 

Chất liệu và thiết kế của bình nước cá nhân cũng ảnh hưởng đến việc vệ sinh bình. Ví dụ, bình làm từ chất liệu inox sẽ kháng khuẩn tốt hơn bình làm từ nhựa. Bình miệng rộng dễ vệ sinh hơn, thiết kế tối giản nhìn chung sẽ an toàn hơn các loại bình có nhiều kết cấu phức tạp.

Người lựa chọn bình làm từ nhựa không chứa BPA cần lưu ý, theo thời gian, trên bề mặt bình sẽ có những vết xước mà vi khuẩn dễ trú ngụ. 

 
Quỳnh Trang (Theo Food Poisoning News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp