Nhiều người bị lạnh chân vào mùa đông dù đã tìm nhiều cách giữ ấm đôi chân và cơ thể
5 thức uống giúp bạn giữ ấm cơ thể trong ngày trời lạnh
Làm sao để giữ ấm bàn tay, bàn chân trong những ngày lạnh?
5 thực phẩm giàu chất béo lành mạnh giúp giữ ấm cơ thể
5 thức trà ấm nóng cho ngày mưa lạnh
Hiện tượng bị lạnh chân vào mùa đông là gì?
Nhiệt độ giảm xuống khiến chân bị lạnh là hiện tượng thông thường. Đây là cách cơ thể phản ứng với sự giảm nhiệt độ bằng cách co thắt các mạch máu ở tứ chi, làm giảm lượng máu lưu thông, khiến nhiệt lượng giảm đi gây ra tình trạng lạnh chân vào mùa đông. Nếu được ủ ấm, chân bạn sẽ ấm áp trở lại.
Tuy nhiên, nếu bàn chân của bạn vẫn bị lạnh kéo dài mặc dù đã được ủ ấm kỹ, đó có thể là dấu hiệu tình trạng sức khỏe bạn nên lưu tâm. Theo Tiến sĩ Pritam Moon là bác sĩ tư vấn tại Bệnh viện Wockhardt Mira Road, Mumbai, Ấn Độ: Bàn chân lạnh có thể do nhiều nguyên nhân sau đây:
Lưu thông máu kém
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bàn chân bị lạnh trong mùa đông. Khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể vì muốn duy trì thân nhiệt ổn định, giảm bớt sự tỏa nhiệt nên các mạch máu co lại, điều này hạn chế lưu thông, khiến bàn chân bị lạnh.
Thiếu máu
Lạnh chân cũng xảy ra khi cơ thể có quá ít tế bào hồng cầu, thường do thiếu sắt, vitamin B12, hoặc thậm chí là bệnh thận mạn tính. Biểu hiện rõ nhất của tình trạng này là gan bàn chân luôn trong trạng thái lạnh ngắt dù là trời nóng hay lạnh.
Đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường có thể gặp các vấn đề về tuần hoàn, đặc biệt là ở bàn chân hoặc bàn tay. Lượng đường trong máu bất thường có thể gây hẹp động mạch và giảm lượng máu cung cấp đến các mô, dẫn đến lạnh chân.
Bệnh thần kinh ngoại biên
Thần kinh ngoại biên - biến chứng của bệnh đái tháo đường, là một dạng tổn thương dây thần kinh xảy ra do đường huyết tăng cao. Đường trong máu cao trong thời gian dài sẽ làm tổn thương niêm mạc các mạch máu, khiến mạch máu bị thu hẹp và cứng. Kết quả là làm giảm lưu thông máu đến chân, khiến bàn chân bị lạnh.
Suy giáp
Tuyến giáp hoạt động kém tạo ra lượng hormone tuyến giáp thấp, tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất. Do đó, tuần hoàn, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể cũng bị ảnh hưởng dẫn đến bàn chân lạnh.
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
Tay và chân lạnh, đặc biệt ở người lớn tuổi cũng có thể do PAD, xảy ra khi động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn do mảng bám dần dần hình thành bên trong thành động mạch.
Cải thiện bàn chân lạnh trong mùa đông thế nào?
Có nhiều cách để giúp chân bạn ấm hơn trong mùa đông. Theo Tiến sĩ Pritam Moon, bạn có thể thực hiện các biện pháp đơn giản sau:
- Duy trì vận động: Bạn không nên ngồi một chỗ trong thời gian dài. Thay vào đó, hãy duy trì hoạt động thể chất, di chuyển giúp cải thiện lưu thông khắp cơ thể.
- Mang tất: Mang tất ấm giúp giữ ấm cho đôi chân, tránh chân bị nhiễm lạnh.
- Ngâm chân trong nước ấm: Điều này có thể cải thiện lưu thông máu khắp cơ thể.
- Chườm ấm: Bạn nên sử dụng túi chườm nóng đa năng vì có thể giữ nhiệt lâu. Không nên để nhiệt độ quá nóng, không chườm quá lâu để tránh bị bỏng da (thời gian chườm chỉ nên từ 15-20 phút).
Lưu ý: Nếu bàn chân lạnh đi kèm các triệu chứng khác như thay đổi màu da, cảm giác tê hoặc ngứa ran, vết loét hở hoặc mụn nước và da căng cứng hoặc cứng, sốt, đau ngực, ngất xỉu, hãy đi khám ngay.
Bình luận của bạn