Nuôi chó có trách nhiệm giúp người chủ cải thiện sức khỏe
10 lời khuyên của bác sĩ thú y giúp mèo khỏe mạnh
Hạt khô cho mèo: không phải “sen” nào cũng rành
Chó, mèo bị giun sán chữa tại nhà được không?
Podcast: Nuôi thú cưng cần đề phòng nhiễm giun đũa chó mèo
Khỏe hơn khi nuôi chó
Một nghiên cứu tổng quan hệ thống kéo dài hơn 70 năm cho thấy, những người có nuôi chó trong nhà có nguy cơ tử vong thấp hơn 24% so với người không nuôi chó. Đặc biệt, những người từng gặp các vấn đề về tim mạch như nhồi máu cơ tim có thể giảm nguy cơ tử vong tới 35% khi nuôi cún cưng.
Sống chung với “người bạn bốn chân” cũng giúp bạn chăm vận động hơn, từ đó giảm huyết áp, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ và mắc bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu mới đây tại Vương quốc Anh cũng phát hiện trẻ em lớn lên trong gia đình có nuôi chó thường năng động hơn, thích tham gia vào các trò chơi không có cấu trúc (tức trò chơi tự phát, không do phụ huynh hoặc trẻ lớn hơn hướng dẫn). Hoạt động này cho phép trẻ tự do khám phá, sáng tạo và phát triển các kỹ năng thiết yếu.
Thú cưng được đi lại tự do cũng mang theo bụi đất và vi sinh vật từ bên ngoài vào nhà. Tiếp xúc với những tác nhân này từ sớm giúp trẻ nhỏ củng cố hệ miễn dịch và ít phải dùng thuốc kháng sinh hơn.
Nuôi chó đem lại nhiều lợi ích với tinh thần
Được mệnh danh là người bạn tốt nhất của con người, những chú chó có thể hỗ trợ người chủ cải thiện các triệu chứng lo âu, trầm cảm, stress hậu sang chấn. Nuôi chó cũng giúp nhiều người bớt cô độc khi sống một mình, nhất là với người cao tuổi. Thói quen dắt chó tới công viên hoặc đi dạo quanh khu dân cư tạo ra cơ hội giao tiếp, gặp gỡ và kết nối xã hội.
Ngay cả khi bạn không giỏi bắt chuyện với người lạ, chỉ việc đi dạo với chó cưng cũng giúp cải thiện tâm trạng, giảm cảm giác cô đơn.
Những bất lợi bạn cần cân nhắc khi nuôi chó
Những người sống chung với chó và thú cưng nói chung cần đề phòng nguy cơ dị ứng. Nước bọt, nước tiểu và vảy da của cún cưng có thể kích hoạt phản ứng dị ứng của cơ thể, khiến bạn ngứa mắt, chảy nước mũi, khó thở.
Một phân tích tổng quan dựa trên dữ liệu từ gần 2 triệu trẻ em phát hiện, trẻ tiếp xúc sớm với chó có nguy cơ hen suyễn cao hơn, dù không cao như khi tiếp xúc với mèo. Té ngã cũng là nguy cơ người chủ cần đề phòng khi nuôi những chú chó quá hiếu động và hậu đậu.
Không chỉ cào và cắn, đôi khi chó có thể mang theo mầm bệnh như giun đũa, nấm ngoài da gây hắc lào hoặc vi khuẩn Campylobacter gây tiêu chảy. Đây là yếu tố có thể gây hại cho sức khỏe trẻ em và người có hệ miễn dịch suy yếu.
Nhiều người chủ có thói quen cho cún cưng ngủ chung giường. Nghiên cứu đã chứng minh hành động này đem lại lợi ích về sức khỏe tinh thần, tạo cảm giác an toàn. Nhưng bạn cũng cần cân nhắc nguy cơ dị ứng, lây nấm ngoài da, bọ ve hoặc mất ngủ vì “người bạn bốn chân”.
Với một số người, nuôi chó có thể tạo ra thêm nhiều áp lực và gánh nặng. Vòng đời của thú cưng ngắn hơn con người, mất đi cún cưng có thể khiến người chủ đau buồn, trầm cảm, các vấn đề tâm lý trở nặng.
Để giảm thiểu những nguy cơ về sức khỏe kể trên, người nuôi chó cần có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho chính thú cưng. Vật nuôi trong nhà cần được tiêm phòng (vaccine phòng bệnh dại và các bệnh lây nhiễm khác), tẩy giun sán và diệt bọ ve, tắm rửa và cắt lông, móng định kỳ. Nơi thú cưng nằm cũng cần được dọn dẹp sạch sẽ hàng tuần. Phụ huynh nên nhắc nhở trẻ rửa sạch tay với xà phòng sau khi ôm, vuốt ve cún cưng.
Bình luận của bạn