Sưng, đau, kích ứng ở nướu có thể do tác động của chu kỳ kinh nguyệt
Như thế nào là đánh răng đúng cách?
Vệ sinh răng miệng giúp phòng nhiều bệnh tật
Nên để răng "nghỉ ngơi" 2 tiếng sau bữa ăn trưa
Cách chăm sóc răng miệng luôn khỏe mạnh
Theo BS. Anjali Rajpal - nhà sáng lập Bệnh viện Nha khoa Beverly Hills Dental Arts (Mỹ), sự biến đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt có thể làm tăng độ nhạy cảm của mô nướu và thúc đẩy quá trình viêm. Cụ thể, nồng độ hormone estrogen và progesterone thay đổi trước và trong kỳ kinh nguyệt có khả năng làm cho nướu phản ứng mạnh mẽ hơn với sự hiện diện của vi khuẩn trong mảng bám răng, từ đó làm gia tăng nguy cơ phát triển viêm nướu hoặc các bệnh lý nha chu ở giai đoạn sớm.
Khi nồng độ estrogen tăng, lưu lượng máu đến nướu cũng tăng. Đồng thời, progesterone có thể làm gia tăng tình trạng viêm, khiến nướu xuất hiện phản ứng mạnh mẽ. Hậu quả là mô nướu trở nên sưng, đau và dễ chảy máu, trở nên đỏ và kích ứng. Tương tự như hiện tượng giữ nước gây phù ở các bộ phận khác của cơ thể trong chu kỳ kinh nguyệt, mô nướu cũng có thể giữ lại nhiều chất lỏng, làm tăng cảm giác sưng đau. Bên cạnh đó phản ứng miễn dịch của cơ thể có thể tăng cao trong giai đoạn này.
Ngoài ra, progesterone có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất collagen trong nướu và làm thay đổi tính thấm của mao mạch. Điều này có thể dẫn đến việc sản xuất nhiều acid béo prostaglandin gây viêm và đau hơn.
Hiện tượng này được các chuyên gia gọi là "viêm nướu do kinh nguyệt". Tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra trong giai đoạn dậy thì và mang thai. Cùng với đó là những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), lạc nội mạc tử cung hoặc đang điều trị bằng liệu pháp hormone cũng có thể có nướu răng nhạy cảm hơn người không mắc bệnh.

Khám nha khoa định kỳ là rất cần thiết để cải thiện sức khoẻ răng miệng.
Mặt khác, sự thay đổi hormone còn gây ra biến đổi vị giác và ảnh hưởng đến thành phần nước bọt, tạo cảm giác khác lạ trong miệng. Lý do là bởi estrogen có tác động đến quá trình sản xuất nước bọt, làm thay đổi cân bằng vi khuẩn trong miệng, tạo điều kiện cho một số vi khuẩn phát triển mạnh khi nồng độ hormone cao. Điều này có thể dẫn đến loét miệng, thay đổi trong sản xuất nước bọt (khô miệng hoặc tiết nhiều nước bọt), hôi miệng tạm thời.
Như vậy, duy trì vệ sinh răng miệng hiệu quả đóng vai trò quan trọng, đặc biệt cần thiết trong giai đoạn kinh nguyệt do sự thay đổi nội tiết tố có thể làm tăng độ nhạy cảm và dễ kích ứng của nướu. Để ứng phó với tình trạng này, các chuyên gia khuyến nghị nên tiếp tục thực hiện các biện pháp chăm sóc răng miệng thường quy như sử dụng chỉ nha khoa, đánh răng đều đặn 2 lần mỗi ngày và cân nhắc đầu tư vào các thiết bị hỗ trợ như máy tăm nước.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn các sản phẩm chăm sóc răng miệng dịu nhẹ cũng được khuyến khích. Theo đó, kem đánh răng chứa các thành phần làm dịu như calci phosphat ở dạng bột mịn nano hoặc các chất thúc đẩy lợi khuẩn như inulin có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Hơn nữa, việc chuyển sang sử dụng bàn chải đánh răng sợi mềm sẽ giúp giảm tác động lên nướu và mô nhạy cảm, đồng thời vẫn đảm bảo hiệu quả loại bỏ mảng bám.
Cuối cùng, chế độ ăn uống và thói quen uống nước cũng có ảnh hưởng đáng kể. Việc duy trì đủ lượng nước giúp hỗ trợ sản xuất nước bọt và loại bỏ vi khuẩn, đồng thời khuyến cáo hạn chế đồ ăn ngọt và có tính acid để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và tích tụ vi khuẩn.
Trong trường hợp cảm thấy khó chịu ở nướu, bạn có thể súc miệng bằng nước muối ấm để làm dịu phản ứng kích ứng. Quan trọng nhất, cần duy trì thói quen khám răng định kỳ và theo dõi sát sao mọi thay đổi của sức khỏe răng miệng bởi việc làm này không chỉ mang lại sự thoải mái mà còn là một bước chủ động để duy trì sức khỏe toàn diện.
Bình luận của bạn