Thay đổi thói quen vệ sinh răng miệng để bảo vệ nụ cười rạng rỡ suốt cả năm

Chăm sóc răng miệng đúng cách có vai quan trọng trong duy trì một nụ cười rạng ngời và răng miệng chắc khỏe.

Chăm sóc răng miệng không tốt ảnh hưởng thế nào tới sức khoẻ?

Nên để răng "nghỉ ngơi" 2 tiếng sau bữa ăn trưa

Vệ sinh răng miệng kém có thể tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy

6 dấu hiệu ở miệng bạn tuyệt đối không được bỏ qua

Những thói quen xấu cần tránh để bảo vệ sức khỏe răng miệng

1. Sử dụng bàn chải hoặc kem đánh răng chứa than hoạt tính

Bàn chải và kem đánh răng chứa than hoạt tính thường được quảng cáo là có khả năng làm trắng răng. Tuy nhiên, hiệu quả này sẽ đi kèm với những tác hại khó lường.

Theo TS. Matthew Messina, giám đốc phòng khám tại Đại học Nha khoa Bang Ohio (Mỹ), than hoạt tính có tính mài mòn rất cao. Nó giúp làm trắng răng bằng cách bào mòn lớp men răng bên ngoài. Việc loại bỏ một phần men răng có thể mang lại hiệu quả trắng răng tức thời, nhưng về lâu dài, men răng bị mài mòn sẽ khiến răng yếu đi, dễ bị ố vàng, nứt vỡ, sâu răng và nhiều vấn đề khác.

"Men răng không có khả năng tự phục hồi. Vì vậy, bất cứ hành động nào làm mòn men răng đều gây hại cho răng miệng," Tiến sĩ Messina nhấn mạnh.

2. Uống đồ uống thể thao, nước ngọt và cà phê pha hương liệu

Đường trong thực phẩm và đồ uống là nguồn thức ăn dồi dào cho vi khuẩn gây sâu răng và các bệnh về nướu. Bên cạnh đường, acid cũng là một yếu tố nguy hại cho răng. TS. Frank Scannapieco, giáo sư sinh học răng miệng tại Trường Y khoa Răng hàm mặt thuộc Đại học Buffalo (Mỹ), giải thích: "Acid tấn công và bào mòn men răng, gây ra những tổn thương khó phục hồi theo thời gian."

Răng dễ bị sâu khi tiếp xúc với lượng đường lớn trong nước ngọt.

Răng dễ bị sâu khi tiếp xúc với lượng đường lớn trong nước ngọt.

Đáng lo ngại là nhiều loại đồ uống phổ biến như nước ngọt, soda và đồ uống thể thao chứa đồng thời cả đường và acid. TS. Scannapieco cho biết: "Ngay cả những loại nước ngọt được quảng cáo là không đường vẫn chứa hàm lượng acid cao. Uống một ly mỗi ngày có thể chưa gây ra vấn đề nghiêm trọng, nhưng nếu uống thường xuyên, nguy cơ mòn men răng sẽ tăng lên đáng kể."

Một "kẻ thù" khác thường bị bỏ qua là cà phê pha hương liệu (ví dụ bơ, dừa, cacao…). Vừa chứa acid từ cà phê, vừa chứa lượng đường lớn từ các chất tạo ngọt, loại đồ uống này âm thầm gây hại cho răng. TS. Peterson chia sẻ: "Chúng tôi thường gặp các trường hợp sâu răng mà nguyên nhân chính là do thói quen uống cà phê hương liệu. Một ly caramel macchiato hay các loại cà phê tương tự đôi khi chứa lượng đường vượt quá cả nước ngọt."

3. Sử dụng tăm xỉa răng

Nhiều người có thói quen xỉa răng sau bữa ăn, nhưng theo TS. Scannapieco, đây là một thói quen xấu. "Việc xỉa răng thường xuyên, dù bằng móng tay hay tăm gỗ, đều có thể gây tổn thương nướu giữa các răng, dẫn đến áp xe nướu, răng trở nên nhạy cảm hoặc thậm chí mài mòn răng."

Thay vì xỉa răng, TS. Scannapieco khuyên dùng bàn chải kẽ răng. "Bàn chải kẽ răng an toàn, hiệu quả và có thể còn tốt hơn cả chỉ nha khoa trong việc làm sạch kẽ răng. Nghiên cứu của tôi cũng cho thấy chúng ít gây kích ứng nướu hơn so với chỉ nha khoa."

4. Sử dụng răng như một công cụ

Bạn có bao giờ dùng răng để cắn mác quần áo, mở nắp chai hay xé bao bì? Nếu có, hãy dừng lại ngay, TS. Messina cảnh báo: "Men răng rất khỏe khi chịu lực nén (ví như khi nhai), nhưng lại rất yếu khi bị bẻ hoặc uốn.. Việc dùng răng để kéo, xé đồ vật sẽ khiến răng dễ bị vỡ, sứt mẻ, đặc biệt là răng cửa."

Những thói quen tốt nên thực hiện để bảo vệ sức khỏe răng miệng

1. Đánh răng nhẹ nhàng bằng bàn chải mềm

Đánh răng tưởng chừng là một việc đơn giản, nhưng nếu thực hiện không đúng cách sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Việc sử dụng bàn chải lông cứng và đánh răng với lực mạnh có thể làm mòn men răng, dẫn đến tụt nướu, ê buốt và các tổn thương khác.

TS. Natalie Peterson, phó giáo sư lâm sàng tại Trường Nha khoa Đại học Minnesota (Mỹ), cảnh báo: "Đánh răng quá mạnh là một thói quen phổ biến gây hại cho răng và nướu. Hãy kiểm tra bàn chải của bạn, nếu lông bàn chải bị xơ hoặc tòe ra sau một thời gian ngắn sử dụng, đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang đánh răng quá mạnh."

Để bảo vệ răng và nướu một cách tốt nhất, hãy lựa chọn bàn chải lông mềm và áp dụng kỹ thuật đánh răng nhẹ nhàng. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát lực khi đánh răng, hãy cân nhắc sử dụng bàn chải điện. Nhiều loại bàn chải điện hiện đại được trang bị cảm biến áp lực, sẽ cảnh báo bạn nếu bạn đánh răng quá mạnh.

2. Súc miệng bằng nước sau khi ăn

Súc miệng bằng nước ngay sau khi ăn hoặc uống là một thói quen đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe răng miệng. Nó giúp trung hòa acid, loại bỏ các mảng bám thức ăn và đường còn sót lại, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng.

Sau bữa ăn sáng, bạn có thể súc miệng bằng nước để loại bỏ những mảnh vụn thức ăn còn sót lại.

Sau bữa ăn sáng, bạn có thể súc miệng bằng nước để loại bỏ những mảnh vụn thức ăn còn sót lại.

3. Chờ ít nhất 30 phút sau khi ăn rồi mới đánh răng

Nhiều người có thói quen đánh răng ngay sau khi ăn. Tuy nhiên, theo TS. Messina, đây là một thói quen không tốt. Việc đánh răng ngay lập tức khi men răng còn đang mềm do tác động của acid và đường có thể gây mòn men răng.

"Chờ khoảng 30 phút sau khi ăn uống rồi mới đánh răng sẽ tốt hơn cho răng của bạn. Trong khoảng thời gian này, men răng sẽ được bổ sung các khoáng chất thiết yếu nhờ nước bọt, giúp răng chắc khỏe hơn. Sau đó, việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa sẽ giúp loại bỏ triệt để vi khuẩn còn sót lại.", TS. Messina khẳng định.

 
Việt An (Theo The New York Times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp