5 quan niệm sai về rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một rối loạn sức khỏe tâm thần rất phức tạp và thường bị hiểu lầm. - Ảnh: firstsession.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Chớ nhầm là tâm thần

7 dấu hiệu của một người có sức khỏe tâm thần khỏe mạnh

Trẻ dễ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần khi tiếp xúc màn hình nhiều

Nghiện cờ bạc hay trò chơi may rủi cũng là một vấn đề sức khỏe tâm thần

7 cách để cải thiện sức khỏe tâm thần cho năm mới 2024

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế, còn gọi là OCD (Obsessive Compulsive Disorder), là một tình trạng sức khỏe tâm thần đặc trưng bởi những suy nghĩ dai dẳng, ám ảnh và các hành vi được thực hiện lặp đi lặp lại một cách không mong muốn. Đối với người mắc OCD, những ám ảnh cưỡng chế này có thể gây đau đớn khổ sở, lo lắng, căng thẳng và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm thần kinh, OCD là một chẩn đoán phức tạp. Mặc dù nhận thức về sức khỏe tâm thần ngày càng tăng nhưng những quan niệm sai lầm về OCD vẫn tồn tại. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm thường gặp về hội chứng này:

Quan niệm sai lầm số 1: Tất cả mọi người đều có một chút OCD

OCD không chỉ là thích mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ theo một cách nhất định. Nó liên quan đến những suy nghĩ đau khổ và ám ảnh vượt ngoài tầm kiểm soát của một người. Họ không còn cách nào khác ngoài việc phải cưỡng ép bản thân thực hiện một số hành vi để giảm bớt nỗi lo lắng, căng thẳng tột độ gây ra bởi những suy nghĩ dai dẳng đó.

Claire Lucas - một y tá thực hành (nurse practitioner - một người được cấp chứng chỉ và có thể điều trị một số bệnh mà không cần có bác sĩ bên cạnh) cho biết: “Những nỗi ám ảnh và sự cưỡng ép mà một người mắc OCD phải cảm nhận có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống và sức khỏe tâm thần của họ. So sánh thói quen ngăn nắp, sạch sẽ thông thường với nỗi đau khổ mà những người mắc OCD phải trải qua sẽ tầm thường hóa mức độ nghiêm trọng và tác động của chứng rối loạn này.”

Không phải lúc nào người mắc OCD cũng có những nỗi ám ảnh giống nhau mà chúng có thể thay đổi trong suốt cuộc đời của họ. - Ảnh: Variations psychology

Không phải lúc nào người mắc OCD cũng có những nỗi ám ảnh giống nhau mà chúng có thể thay đổi trong suốt cuộc đời của họ. - Ảnh: Variations psychology

Quan niệm sai lầm số 2: Người mắc OCD chỉ đơn thuần là rối loạn lo âu

Nhiều người cho rằng OCD là một dạng rối loạn lo âu vì những người mắc OCD thường cảm thấy vô cùng lo lắng khi nỗi ám ảnh của họ bị kích hoạt, khiến họ tìm cách giải tỏa bằng việc thực hiện hành vi cưỡng chế. Tuy nhiên, y tá Claire giải thích rằng: “Điều khiến OCD khác biệt với các rối loạn lo âu khác là tần suất xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của những suy nghĩ ám ảnh cũng như sự hiện diện của các hành vi cưỡng chế”. 

Quan niệm sai lầm số 3: OCD chỉ là sạch sẽ và ngăn nắp quá mức

Mặc dù một số người mắc OCD có những hành vi cưỡng ép liên quan đến sự sạch sẽ hoặc ngăn nắp quá mức để giảm bớt lo lắng, căng thẳng, nhưng trong một vài trường hợp khác, OCD biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví như, những nỗi ám ảnh liên quan đến nỗi sợ hãi như sợ mắc sai lầm, sợ quên đồ hoặc nỗi sợ gây tổn hại cho người khác. Ngoài ra, chúng còn bao gồm những suy nghĩ ám ảnh liên quan đến các chủ đề tôn giáo, tình dục hoặc bạo lực đi ngược lại các giá trị bản thân. 

Quan niệm sai lầm số 4: OCD dễ dàng vượt qua bằng ý chí

Đối với một số người, các triệu chứng OCD có thể thay đổi về mức độ độ theo thời gian. Trong số ít trường hợp, các triệu chứng có thể giảm hoặc gần như biến mất mà không cần phương pháp điều trị cụ thể. Tuy nhiên, OCD thường có xu hướng trở thành một tình trạng mạn tính cần sự trợ giúp của chuyên gia, hay nói cách khác, nó không đơn giản là một căn bệnh có thể vượt qua chỉ bằng ý chí của người mắc. “Nếu không được điều trị thích hợp, các triệu chứng OCD thường tồn tại dai dẳng hoặc thậm chí trở nên trầm trọng hơn theo thời gian, ảnh hưởng đến nhiều mặt của cuộc sống, bao gồm các mối quan hệ, công việc và sinh hoạt hàng ngày”, y tá Claire Lucas cho biết.

Tùy tình trạng của người bệnh và các triệu chứng OCD mà các chuyên gia tâm thần kinh sẽ có liệu pháp điều trị riêng.

Tùy tình trạng của người bệnh và các triệu chứng OCD mà các chuyên gia tâm thần kinh sẽ có liệu pháp điều trị riêng.

Quan niệm sai lầm số 5: OCD không thể điều trị được

OCD có thể điều trị được và sự trợ giúp của chuyên gia y tế có thể kiểm soát đáng kể các triệu chứng, giúp người mắc hội chứng này có cuộc sống trọn vẹn hơn. 

Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavior Therapy - CBT) và đặc biệt là Năng ngừa Phơi nhiễm và Hành vi nghi thức (Exposure and Response Prevention - ERP) có hiệu quả cao trong điều trị OCD. ERP được xem là một trong những hình thức điều trị OCD hiệu quả nhất. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia sức khỏe tâm thần, những người được điều trị bằng ERP có thể giảm dần lo lắng và chấm dứt những phiền toái gây ra bởi OCD..

ERP liên quan đến việc thực hành đối mặt với những suy nghĩ, hình ảnh, đồ vật và tình huống khiến bạn lo lắng, hay nói cách khác, chủ động khơi dậy nỗi ám ảnh của bạn. Từ đó, bạn học cách kiểm soát bản thân, chống lại sự thôi thúc thực hiện các hành vi cưỡng chế khi nỗi lo lắng hoặc ám ảnh bị kích hoạt. Theo thời gian, việc điều trị sẽ “huấn luyện lại bộ não của bạn” để không còn coi đối tượng của nỗi ám ảnh là mối đe dọa nữa.

Một số thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (serotonin: chất dẫn truyền thần kinh có chức năng điều chỉnh tâm trạng hay còn biết đến là một loại hormone hạnh phúc) đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration - FDA) phê chuẩn và thường được kê đơn ở liều cao để giúp giảm bớt trạng thái lo lắng và các triệu chứng OCD. Kích thích từ trường xuyên sọ (Transcranial Magnetic Stimulation – TMS) và kích thích não sâu (Deep Brain Stimulation - DBS) đều là những phương pháp điều trị được phê duyệt cho bệnh nhân mắc OCD mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Bên cạnh việc điều trị, người mắc OCD được khuyến nghị thay đổi lối sống. Tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và chế độ ăn uống lành mạnh có thể hỗ trợ sức khỏe tâm thần tổng thể và giúp kiểm soát các triệu chứng. Ngoài ra, thiền chánh niệm, yoga và các bài tập thở sâu cũng góp phần giúp giảm căng thẳng và lo âu, từ đó có thể giảm thiểu một số triệu chứng OCD.

 
Trang Hương (Theo Jefferson Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh