Người rối loạn tăng động giảm chú ý có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch

Người mắc rối loạn tâm thần nên được chú ý về sức khỏe tim mạch

Dinh dưỡng cho trẻ tăng động giảm chú ý

Làm sao học tập hiệu quả hơn khi bị rối loạn tăng động giảm chú ý?

Tăng động giảm chú ý có di truyền không?

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn: Phát hiện và điều trị thế nào?

Hiện nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người gặp vấn đề về rối loạn tâm thần có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn so với người bình thường. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về nguy cơ mắc các loại bệnh cụ thể về tim mạch ở những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Mới đây, nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Viện Karolinska và trường Đại học Örebro (Thụy Điển) đã góp phần điều tra mối liên hệ giữa rối loạn tăng động giảm chú ý và một loạt các bệnh tim mạch ở người trưởng thành. Tác giả chính là TS Lin Li - chuyên gia về dịch tễ học và thống kê sinh học (Viện Karolinska) cho biết: Nguy cơ người trưởng thành ADHD bị mắc các loại bệnh tim mạch tăng cao.

Cụ thể, nghiên cứu này đã thu thập dữ liệu từ hơn 5 triệu người trưởng thành, sinh từ năm 1941 đến năm 1983. Chỉ hơn 37.000 người trong số đó được chẩn đoán mắc chứng ADHD. Sau gần 12 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 38% người bị ADHD có ít nhất một lần được chẩn đoán có vấn đề về tim mạch, và 24% là ở người không bị ADHD. Phát hiện này cho thấy ADHD có liên quan đáng kể đến việc tăng nguy cơ mắc bất kỳ loại bệnh tim mạch nào, điển hình là ngừng tim, đột quỵ do xuất huyết, bệnh mạch máu ngoại biên, xơ vữa động mạch. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy đối tượng là nam giới và thanh niên bị ADHD có nguy cơ mắc cao hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy việc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý có liên quan đến các vấn đề tim mạch. Hai trong số các thành phần phổ biến nhất trong thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý là methylphenidate (là thành phần hoạt chất trong Ritalin và Concerta) và amphetamine (là thành phần hoạt chất trong Adderall và Vyvanse) đều là chất kích thích có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, bạn không nên quy chụp ADHD là nguyên nhân của các vấn đề sức khỏe. Thực tế, ADHD không phải là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch, vì còn nhiều yếu tố khác dẫn đến bệnh tim mạch như đái tháo đường type 2, béo phì, hút thuốc, khó ngủ, rối loạn tâm thần.

Vì vậy, những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ tim mạch về các rủi ro và phòng ngừa.

 
Nguyễn Thanh (Theo Health)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch