Dinh dưỡng cho trẻ tăng động giảm chú ý

Chế độ ăn hợp lý hỗ trợ giảm thiểu một số triệu chứng ở trẻ tăng động giảm chú ý

Làm sao học tập hiệu quả hơn khi bị rối loạn tăng động giảm chú ý?

Cảnh báo: 67% trẻ tăng động giảm chú ý có kèm theo rối loạn tâm lý

Tuyệt chiêu dạy trẻ tăng động cha mẹ nên biết

Lưu ý gì khi cho trẻ ăn nội tạng động vật?

Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn thần kinh phức tạp thường gặp ở trẻ. So với trẻ cùng lứa tuổi và mức độ phát triển, trẻ mắc ADHD có khả năng duy trì chú ý suy giảm và tăng mức độ xung động.

Hiện nay, chưa có cách chữa trị ADHD dứt điểm. Tuy nhiên, một số can thiệp về y tế và tâm lý có thể giảm sự ảnh hưởng của rối loạn này đối với trẻ. Can thiệp sớm và đúng giúp trẻ tiến bộ, thay đổi tích cực cũng như giảm thiểu khó khăn trong học tập.

Dinh dưỡng là nhu cầu cơ bản nhất của trẻ, bất kể trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý hay thể chất nào. Bên cạnh sự hỗ trợ các bác sỹ và chuyên gia tâm lý, cha mẹ của trẻ tăng động giảm chú ý cần chủ động nâng cao khả năng tập trung và thế mạnh cho con nhờ chế độ ăn uống hợp lý.

Dưới đây là một số lưu ý về dinh dưỡng cho trẻ ADHD:

Lưu ý đến lượng đường trong thực phẩm

Trẻ tăng động giảm chú ý nên tránh ăn thực phẩm chứa nhiều đường - Ảnh: Alchemyfoodtech

Trẻ tăng động giảm chú ý nên tránh ăn thực phẩm chứa nhiều đường - Ảnh: Alchemyfoodtech

Tất cả carbohydrate trong thực phẩm được cơ thể tiêu hóa và phân giải thành đường glucose. Tuy nhiên, tác động của chúng lên cơ thể lại không giống nhau. Thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp khiến đường huyết tăng lên từ từ và giảm xuống chậm rãi, nhằm giữ nguồn năng lượng ổn định.

Trong khi đó, một số món ăn có chỉ số GI cao sẽ nhanh chóng được chuyển hóa thành đường, làm lượng glucose trong máu tăng cao đột ngột. Đây là thủ phạm gây ra cảm giác bồn chồn, đứng ngồi không yên, khiến trẻ không thể tập trung.

Vì thế, khi chăm con mắc ADHD, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm chứa nhiều tinh bột và đường. Đặc biệt cần tránh thực phẩm đã qua tinh chế như bánh kẹo ngọt, bởi chúng làm đường huyết tăng vọt trong thời gian ngắn.

Thay vào đó, hãy lựa chọn nguồn tinh bột có chỉ số GI thấp như ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám. Nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ ăn bữa sáng với chỉ số GI thấp có khả năng ghi nhớ, tập trung và tư duy tốt hơn trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài ra, bữa ăn của trẻ ADHD cần có chất đạm tốt cho sức khỏe như trứng, thịt nạc.

Tránh sản phẩm có chất tạo màu nhân tạo

Trẻ em nên tránh ăn thực phẩm chứa nhiều phẩm màu nhân tạo

Trẻ em nên tránh ăn thực phẩm chứa nhiều phẩm màu nhân tạo

Nghiên cứu chỉ ra rằng, các chất tạo màu, tạo mùi, chất bảo quản nhân tạo có trong đồ ăn nhanh thường làm gia tăng triệu chứng tăng xung động ở trẻ. Như vậy, nếu trẻ mắc ADHD, cha mẹ cần cẩn trọng hơn nữa khi lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn. Ưu tiên chế biến thực phẩm tươi cho bữa ăn hàng ngày của con.

Cẩn trọng với tình trạng không dung nạp thực phẩm

Một tỷ lệ không nhỏ trẻ tăng động giảm chú ý gặp tình trạng nhạy cảm hoặc không dung nạp thực phẩm. Khác với dị ứng thực phẩm, các triệu chứng không dung nạp thực phẩm thường chỉ xuất hiện ở đường tiêu hóa: Đầy hơi, tiêu chảy/táo bón, buồn nôn… Thực phẩm dễ gây nhạy cảm nhất gồm chế phẩm từ sữa, gluten trong lúa mì, ngô, trứng, đậu nành.

Chia sẻ với Tạp chí ADDitude, TS Sanford Newmark - Đại học California, San Francisco (Mỹ) thường dành khoảng 3 tuần thử cắt giảm các thực phẩm kể trên và theo dõi tiến triển của trẻ mắc ADHD. Biện pháp này đem lại hiệu quả tích cực với trẻ có triệu chứng tăng động.

Thực phẩm bổ sung dành cho trẻ tăng động giảm chú ý

Chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa đem lại nhiều lợi ích với hệ thần kinh. Cụ thể hơn, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, acid béo omega-3 có hiệu quả tương đối tích cực với chức năng não bộ của trẻ mắc ADHD.

Ngoài ra, một số trẻ mắc ADHD có biểu hiện thiếu sắt – vi chất tham gia điều hòa hormone dopamine trong não bộ. Dopamine không chỉ liên quan tới cảm xúc mà còn ảnh hưởng tới khả năng tập trung, ghi nhớ của não. Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi cho trẻ tăng động giảm chú ý sử dụng dầu cá, thực phẩm bổ sung omega-3 và sắt.

 
Quỳnh Trang (Theo ADDitude)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ