Tại sao nhiều người hay bị đau ốm hơn khi trời lạnh?

Thay đổi thời tiết không phải nguyên nhân khiến bạn bị cảm lạnh, cúm

Những lưu ý để phòng ngừa đột quỵ khi trời lạnh ở người bệnh xơ vữa động mạch

Đề phòng hen suyễn tái phát vào mùa lạnh

Làm sao kiểm soát triệu chứng phổi tắc nghẽn mạn tính trong ngày lạnh?

Bảo vệ xương khớp khi "trái gió trở trời"

Nhiều người nghĩ rằng chính việc thay đổi thời tiết, không mặc đủ ấm khi ra ngoài đường… là nguyên nhân khiến mình đau ốm trong mùa Đông. Tuy nhiên, sự thật là bản thân nhiệt độ lạnh không khiến bạn bị ốm. Theo đó, các bệnh cúm, cảm lạnh, viêm xoang, viêm phổi… là do virus, vi khuẩn gây ra chứ không phải do thay đổi thời tiết.

Nếu không phải do thời tiết lạnh, vậy tại sao các bệnh cảm lạnh, cúm… lại thường “tấn công” bạn vào mùa Đông? Các nhà khoa học cho rằng, dù thời tiết lạnh không trực tiếp dẫn tới tình trạng nhiễm trùng, nhưng yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp vì một số lý do sau:

Không khí khô (cả ở ngoài trời và trong nhà)

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus có thể lây lan dễ dàng hơn khi không khí khô. Do độ ẩm không khí thường giảm xuống khi nhiệt độ trở nên lạnh hơn, do đó thời tiết se lạnh sẽ khiến các virus dễ dàng di chuyển hơn, lây từ người này sang người khác.

 

Độ ẩm không khí thấp cũng có thể khiến niêm mạc bên trong mũi bị khô, từ đó khiến các virus, vi khuẩn gây bệnh dễ xâm nhập vào cơ thể.

Không khí trong nhà cũng có xu hướng khô hơn vào mùa Đông, đặc biệt nếu bạn dùng các loại máy sưởi trong nhà. Do đó, bạn có thể chủ động tăng độ ẩm trong nhà bằng cách dùng máy phun sương tạo ẩm, trồng thêm cây trong nhà hoặc đặt một bát nước gần máy sưởi.

Ở trong không gian kín (cùng nhiều người khác)

Đa số mọi người đều có xu hướng dành ít thời gian ở ngoài trời hơn khi thời tiết lạnh. Thay vào đó, họ sẽ dành nhiều thời gian ở trong nhà, trong văn phòng hay các trung tâm thương mại… Không gian kín là môi trường hoàn hảo để các virus gây bệnh đường hô hấp lây từ người này sang người khác.

Thiếu vitamin D

Vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, nhiều người lại bị thiếu hụt dưỡng chất này trong những tháng mùa Đông.

Thông thường, cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời. Tuy nhiên, vào mùa Đông, khi ngày trở nên ngắn hơn và đêm dài hơn, nhiều người có xu hướng dành ít thời gian ở ngoài trời, cũng như luôn mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, việc tiếp xúc với ánh nắng sẽ trở nên rất hạn chế. Điều này khiến cơ thể khó có thể tổng hợp đủ vitamin D.

 

Trong các bài viết tiếp theo, Sức khỏe+ sẽ tiếp tục mang tới lời khuyên về những điều nên làm để tránh bị ốm trong mùa Đông. Kính mong quý độc giả đón đọc!

Vi Bùi (Theo Weatherwell)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp