Nhiệt độ giảm là một trong những tác nhân khiến bệnh hen tái phát
Lạnh chân trong mùa đông do đâu?
Biện pháp giảm ho cho trẻ nhỏ tại nhà
Thực phẩm người cảm cúm và cảm lạnh nên ăn
Làm gì để kiểm soát hen suyễn khi giao mùa?
Hen phế quản (hen suyễn) là tình trạng viêm đường hô hấp mạn tính. Bệnh gây sưng phù, tăng tiết nhầy, phù nề niêm mạc đường thở khiến người bệnh khó thở, khò khè, nặng ngực và ho mạn tính. Hen suyễn là bệnh lý hay gặp, có nguy cơ bùng phát và trở nên nghiêm trọng vào những ngày lạnh.
Vì sao hen suyễn dễ tái phát khi trời lạnh?
Ở người bị hen suyễn, đường thở (ống phế quản) vốn đã bị sưng lên dù đang ở giai đoạn nặng hay nhẹ. Sự cản trở này đã khiến cho người bệnh gặp khó khăn khi hít thở. Thời tiết lạnh khiến người bệnh hen suyễn dễ tái phát các cơn hen cấp là do:
- Không khí lạnh khô khiến cho lượng chất lỏng bên trong niêm mạc mũi bị bay hơi nhanh hơn, dẫn đến niêm mạc mũi và ống phế quản bị kích thích, sưng to hơn, khiến người hen suyễn thấy khô mũi và khó thở.
- Khi hít vào không khí lạnh, đường hô hấp sẽ kích thích giải phóng histamin (chất trung gian có vai trò đối phó với phản ứng dị ứng). Lượng histamin vượt ngưỡng sẽ gây sổ mũi, ngạt mũi, co thắt phế quản và khó thở.
- Nhiệt độ xuống thấp khiến chất nhầy trong mũi và đường thở nói chung tiết ra nhiều hơn để bảo vệ đường hô hấp. Tuy nhiên, khi tiết ra nhiều hơn bình thường có thể khiến lớp chất nhầy này dày hơn và dính lại, vô tình ngăn trở hoạt động hô hấp của cơ thể.
- Ngoài ra, thời tiết khô lạnh cũng tạo điều kiện cho các bệnh cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi dị ứng… gia tăng, điều này làm tăng các triệu chứng của hen suyễn.
Phòng hen suyễn tái phát khi trời lạnh thế nào?
Do hen suyễn có liên quan chặt chẽ với sự thay đổi thời tiết nên người bị hen suyễn luôn phải chú ý giữ gìn sức khỏe nhất là vào mùa lạnh để ngăn ngừa cơn hen phế quản tái phát bằng các biện pháp sau:
Giữ ấm cơ thể
Người bệnh hen suyễn nên ở trong nhà nhiều hơn, hạn chế ra ngoài. Nếu cần thiết phải ra ngoài cần che mũi và miệng kín. Giữ ấm cơ thể, quàng khăn vùng cổ, hạn chế tiếp xúc với không khí lạnh để giảm nguy cơ bùng phát cơn hen.
Uống thêm nước
Nước giúp bổ sung chất lỏng cho cơ thể, hạn chế chất nhầy trong phổi và giữ cổ họng độ ẩm nhất định. Việc uống nước đầy đủ còn hỗ trợ làm loãng dịch nhầy ở mũi của bệnh nhân, giúp việc hô hấp dễ dàng và thoải mái hơn.
Tránh tiếp xúc tác nhân dị ứng
Người hen suyễn cần chú ý đến các tác nhân gây bệnh như mạt bụi, phấn hoa, lông thú cưng, khói thuốc lá, khói bụi, nấm mốc... Giữ vệ sinh, hút bụi, lau nhà và giặt ga gối thường xuyên. Đồng thời tránh tiếp xúc với người bệnh cảm cúm và nên tiêm vaccine cúm hàng năm.
Hạn chế vận động quá sức
Các hoạt động gắng sức quá mức cũng là yếu tố khởi phát cơn hen do nhu cầu oxy tăng khiến bệnh nhân phải thở nhanh, luồng khí ít được làm ẩm và làm ấm hơn đã gây kích ứng các tiểu phế quản gây cơn hen. Do đó, bệnh nhân hen phế quản không nên lao động quá nặng, vận động quá sức.
Đảm bảo dinh dưỡng
Ăn uống đảm bảo đủ dinh dưỡng, ưu tiên thực phẩm giàu omega-3 (như cá hồi, cá thu), ăn nhiều rau quả tươi mọng nước sẽ có tác dụng cung cấp vitamin, khoáng chất và giảm viêm, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đa dạng để có sức khỏe chống chọi và kiểm soát bệnh.
Lưu ý: Người bệnh hen suyễn cần luôn mang thuốc dự phòng theo người. Ghi nhớ loại thuốc cần sử dụng thận trọng ở người bệnh hen. Cần liên hệ ngay với bác sĩ khi tình trạng hen không cải thiện hoặc có diễn biến nặng dần lên.
Bình luận của bạn