Chế độ ăn uống giàu selen được kỳ vọng là có thể chống loãng xương
Ngủ ít, thiếu ngủ làm tăng nguy cơ loãng xương ở phụ nữ cao tuổi
7 cách giúp xương chắc khỏe, phòng ngừa loãng xương, gãy xương
Lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bị loãng xương
Những thói quen tưởng vô hại nhưng sẽ gây loãng xương
Ước tính trên toàn cầu có 200 triệu người mắc loãng xương. Loãng xương chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi, cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi lại có 1 người bị gãy xương do loãng xương, tỷ lệ này ở nam giới là 1/5.
Có một số yếu tố nguy cơ gây loãng xương mà mọi người không thể tránh khỏi, chẳng hạn như tuổi tác và giới tính. Bên cạnh đó, có những nguyên nhân gây loãng xương mà bạn có thể ngăn chặn ngay từ bây giờ, bao gồm hút thuốc lá và uống rượu bia.
Các nhà khoa học cũng tin rằng chế độ ăn uống và bổ sung có thể đóng một phần quan trọng chống lại loãng xương. Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu về dinh dưỡng và loãng xương thường tập trung vào calci vì vai trò quan trọng của nó đối với sức khỏe của xương.
Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu gần đây nhất tin rằng các dưỡng chất khác cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ loãng xương, như selen chẳng hạn.
Selen là gì?
Selen (Selenium) là một nguyên tố hiếm có mặt trong cơ thể với hàm lượng rất ít nhưng lại đóng vai trò rất lơn đối với sức khỏe. Thiếu hụt selen có thể làm tăng nguy cơ một số vấn đề sức khỏe như: Ung thư, xơ vữa động mạch, xơ gan, đái tháo đường, đột quỵ, suy tim… Khoáng chất này có mặt trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm cá, hàu, ngao, sò, ốc, hến, thịt đỏ, ngũ cốc, trứng, gà, gan và tỏi.
Mặc dù một vài nghiên cứu trước đó đã xem xét tác động của selen đối với bệnh loãng xương, nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Bởi vậy, để giải quyết khúc mắc này, mới đây, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 6.267 người đã đến thăm khám tại Trung tâm kiểm tra sức khỏe của Bệnh viện Xiangya thuộc Đại học Trung Nam (Trung Quốc).
Tất cả những người tham gia đều từ 40 tuổi trở lên và hoàn thành bảng câu hỏi về tần suất sử dụng thực phẩm một cách chi tiết.
Điều quan trọng, các nhà khoa học cũng lưu ý đến các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến bệnh loãng xương, như uống rượu, tình trạng hút thuốc, chỉ số khối cơ thể (BMI) và mức độ hoạt động thể chất.
Selen và loãng xương
Nhìn chung, 9,6% số người tham gia bị loãng xương, nam giới chiếm 2,3% và nữ giới chiếm 19,7%. Thông qua bảng câu hỏi, các nhà khoa học chia những người tham gia thành bốn nhóm, dựa theo xếp hạng dùng selen cao nhất đến thấp nhất.
Kết quả là những người có mức selen thấp nhất có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao nhất. Bổ sung selen càng nhiều, nguy cơ mắc bệnh loãng xương càng thấp.
Ngay cả sau khi kiểm soát các yếu tố như tuổi tác, giới tính và BMI, điều này vẫn phù hợp, đúng cho cả hai giới.
Trong báo cáo, các tác giả đã thảo luận về một số cơ chế mà selen có thể ảnh hưởng đến nguy cơ loãng xương.
Thứ nhất, rất có thể do selen đã ức chế các phân tử miễn dịch, chẳng hạn như cytokine - phân tử thúc đẩy sự tiến triển của bệnh loãng xương.
Thứ hai, selen tạo thành một phần của các enzyme chống oxy hóa phụ thuộc selen (selenium dependent antioxidant enzyme), giúp “dọn sạch” các các gốc tự do có oxy (Reactive oxygen species) trong tế bào.
Các gốc tự do có oxy là sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa oxy và đóng vai trò hữu ích trong cơ thể. Tuy nhiên, khi tích tụ quá nhiều, chúng gây ra stress oxy hóa, có thể làm hỏng các tế bào. Do đó, mức độ selen thấp hơn có thể làm tăng stress oxy hóa.
Điều này rất quan trọng bởi vì các tác giả cho rằng stress oxy hóa có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh loãng xương.
Nghiên cứu nói trên vẫn tồn tại một số hạn chế và cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa để đưa ra những khuyến cáo chính xác nhất.
Bình luận của bạn