Nhiều người thường có thói quen để những loại thực phẩm hay sử dụng ở cánh tủ lạnh
Mẹo khử mùi tủ lạnh với 3 nguyên liệu dễ kiếm
Nguyên tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
Nguyên tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
9 loại thực phẩm không nên bảo quản trong tủ lạnh
Cách khử mùi tủ lạnh và bảo quản thức ăn đúng cách
Tủ lạnh hoạt động bằng cách thổi khí lạnh từ phía sau vào các ngăn chứa. Trong khi đó, cửa tủ là nơi xa nguồn khí lạnh nhất và dễ tiếp xúc với không khí nóng bên ngoài mỗi khi đóng mở. Điều này khiến nhiệt độ tại khu vực cửa tủ dao động thường xuyên và có thể cao hơn các ngăn chính từ 2–5°C, đặc biệt trong điều kiện khu vực bếp nóng hoặc khi mở cửa nhiều lần.
Theo GS. Darin Detwiler – chuyên gia thực phẩm tại Đại học Northeastern (Mỹ), khu vực cửa tủ lạnh có thể vượt ngưỡng an toàn về nhiệt độ bảo quản thực phẩm (trên 4°C), thậm chí rơi vào “vùng nguy hiểm” từ 4°C đến 60°C – khoảng nhiệt độ lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, đặc biệt là Listeria, Salmonella,...
Những thực phẩm không nên để ở cánh tủ lạnh
Dù nhiều mẫu tủ lạnh có thiết kế ngăn trứng hoặc khay sữa ở cửa nhưng các chuyên gia khuyến cáo không nên bảo quản những loại thực phẩm dễ hỏng tại vị trí này, bao gồm:
- Sữa tươi, sữa chua, phô mai mềm
- Trứng gà
- Thịt tươi sống như thịt gà, cá, thịt bò
- Các loại nước sốt có nguồn gốc từ sữa, như sốt Ranch (sốt bơ sữa) hoặc mayonnaise
- Thuốc bảo quản lạnh như insulin hoặc một số loại men vi sinh
Theo TS. Bryan Quoc Le – nhà khoa học thực phẩm và tác giả cuốn “150 Food Science Questions Answered” (tạm dịch: 150 câu hỏi về khoa học thực phẩm đã được giải đáp), nhiệt độ dao động ở cửa tủ đủ để tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, từ đó làm giảm chất lượng thực phẩm và tăng nguy cơ ngộ độc.
Đối với người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu, việc ăn các loại thực phẩm bảo quản sai cách càng dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Không nên để trứng, sữa, phô mai... ở cánh tủ lạnh
Vị trí nào phù hợp cho những thực phẩm dễ hỏng?
Các loại thực phẩm dễ hỏng, nhạy cảm với nhiệt độ nên được bảo quản ở ngăn giữa hoặc ngăn dưới của tủ lạnh, nơi có nhiệt độ ổn định hơn và duy trì ở mức lý tưởng dưới 4°C. Thịt sống nên được đựng trong hộp kín và đặt tại ngăn thấp nhất để tránh nước rỉ chảy sang thực phẩm khác.
Sữa, trứng, sản phẩm từ sữa và thức ăn thừa cũng nên được bảo quản trong ngăn chính, không nên để ở cửa tủ.
Vậy thực phẩm nào có thể để ở cửa tủ lạnh?
Một số thực phẩm có thể bảo quản an toàn ở cửa tủ lạnh bao gồm:
- Các loại gia vị như tương ớt, mù tạt, nước tương
- Dưa chua, mứt, thạch hoặc thực phẩm có chất bảo quản
- Nước ngọt, nước khoáng, nước đóng chai chưa mở nắp
Những thực phẩm này thường chứa chất bảo quản hoặc có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng trước khi mở nắp, nên không bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự dao động nhiệt độ ở cửa tủ.
Lưu ý khi sắp xếp tủ lạnh
Sắp xếp thực phẩm đúng vị trí không chỉ giúp kéo dài thời gian sử dụng mà còn giúp giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong mùa hè hoặc tại các hộ gia đình có tần suất mở tủ lạnh cao. Vì vậy, cần lưu ý:
- Không để thực phẩm dễ hỏng ở cánh tủ
- Đảm bảo nhiệt độ trong tủ luôn duy trì dưới 4°C
- Vệ sinh tủ định kỳ để ngăn vi khuẩn phát triển
- Sắp xếp hợp lý để không khí lạnh lưu thông đều
Như vậy, tuy cửa tủ lạnh rất tiện lợi nhưng không phải là nơi lý tưởng để bảo quản thực phẩm nhạy cảm với nhiệt độ. Hiểu rõ cấu trúc và đặc điểm nhiệt độ trong tủ lạnh sẽ giúp nâng cao hiệu quả bảo quản, tránh lãng phí và bảo vệ sức khỏe lâu dài cho gia đình.
Bình luận của bạn