- Chuyên đề:
- Mẹo vặt hay
Tía tô đất có thể trồng trong chậu nhỏ, đặt ở nơi nhiều ánh nắng
Công thức nước uống độc đáo từ dưa lưới và bạc hà
Cách làm kẹo ngậm trị ho từ gừng và tía tô đất
Biến chuối đông lạnh thành 4 món tráng miệng ngon ngất ngây
Giải nhiệt mùa Hè với mocktail vải
Công dụng nổi bật của tía tô đất
Tía tô đất (lemon balm) là cây gia vị có nguồn gốc ở vùng Địa Trung Hải. Lá cây tía tô đất có mùi thơm tươi mát giống bạc hà nhưng pha chút hương chanh, nên còn được gọi là bạc hà chanh. Nhờ tính chất này, tía tô đất có thể sử dụng thay thế bạc hà hoặc húng tây (basil) trong một số công thức nấu ăn.
Tía tô đất hiện đã xuất hiện ở Việt Nam dưới dạng cây trồng hạt giống cũng như dạng lá khô. Tía tô đất thích hợp để trồng trong chậu nhỏ tại nhà, cây ưa nắng và dễ chăm sóc. Cây gia vị này có thể đem lại một số lợi ích sức khỏe như:
- Đem lại cảm giác thư giãn: Tía tô đất được biết đến nhiều nhất với công dụng an thần, hỗ trợ giảm stress. Acid rosmarinic – một hợp chất tự nhiên có trong tía tô đất – có thể ức chế các enzyme phân giải GABA trong não. GABA vốn có nhiệm vụ ngăn cản các dẫn truyền căng thẳng và bất an đến vùng thần kinh trung ương. Sự xuất hiện của acid rosmarinic sẽ giúp nâng cao nồng độ GABA trong não, giúp tạo ra cảm giác thư thái hơn.
- Tốt cho giấc ngủ: Cũng nhờ khả năng làm dịu thần kinh, uống trà tía tô đất có thể giúp cải thiện giấc ngủ.
- Cải thiện tâm trạng tích cực: Một nghiên cứu năm 2021 chỉ ra rằng, tía tô đất có thể hỗ trợ làm giảm mức độ lo âu và trầm cảm trong các trường hợp cấp tính.
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Như các cây thuộc họ Bạc hà, tía tô đất cũng có khả năng làm dịu triệu chứng khó tiêu, đau bụng, đầy hơi.
Tía tô đất sử dụng thế nào?
Tía tô đất được đánh giá là thảo mộc an toàn với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, những người điều trị với thuốc (thuốc tuyến giáp, thuốc an thần, thuốc trầm cảm) cần trao đổi với bác sỹ trước khi thử bất cứ gia vị nào, trong đó có tía tô đất.
Dưới đây là một số cách tận dụng tía tô đất có trong bếp nhà bạn:
Pha trà tía tô đất
Bạn có thể mua trà tía tô đất (dạng lá khô, túi lọc) hoặc pha trà từ lá tươi tại nhà. Lá tía tô đất rửa sạch với nước, để ráo, sau đó vò nát lá cho vào ấm hãm với nước sôi, chờ 3-5 phút là có thể thưởng thức. Thêm mật ong và chanh tươi để trà dễ uống hơn.
Xốt pesto với lá tía tô đất
Pesto là món nước xốt thường được dùng kèm các món mì Ý, bánh mì nướng và salad mùa Hè. Theo truyền thống, trong pesto sẽ có lá húng tây, hạt thông và phômai Parmesan. Bạn có thể thay bằng lá tía tô đất với mùi thơm ngọt, vị chanh tươi mát không kém.
Chuẩn bị: 120gr lá tía tô đất, 50gr phômai Parmesan bào, 50gr hạt hạnh nhân sống, 30-45ml nước cốt chanh, 120ml dầu olive, 5 tép tỏi, muối và hạt tiêu (theo khẩu vị).
Cách làm xốt pesto: Xay nhuyễn tất cả các nguyên liệu trên trong máy xay thực phẩm. Cho hỗn hợp vào lọ thủy tinh, đậy kín và có thể bảo quản trong tủ lạnh 2 tuần.
Bơ tỏi và tía tô đất
Thêm tía tô đất vào bơ lạt là biện pháp dễ dàng để bảo quản và sử dụng cây gia vị này. Bạn có thể sử dụng món bơ thơm ngon này cho các món cá, thịt nướng, bánh mì nướng…
Chuẩn bị: 60gr bơ lạt, 8 lá tía tô đất, 5 lá bạc hà, muối, hạt tiêu, 2 tép tỏi.
Cách thực hiện: Thái nhỏ lá tía tô đất và bạc hà. Tỏi bóc vỏ, bào hoặc băm nhuyễn. Đun chảy bơ lạt, thêm tỏi và gia vị vào bơ, trộn đều và cho hỗn hợp vào lọ thủy tinh. Bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng khi cần.
Gà nướng tía tô đất
Để đổi vị cho các món nướng, bạn có thể dùng lá tía tô đất để tẩm ướp. Công thức gợi ý: 4 miếng ức gà không xương, lá tía tô đất thái nhỏ (khoảng 7gr), 1 cây hành lá băm nhỏ, muối và hạt tiêu.
Bình luận của bạn