10 thành tựu y học nổi bật của Việt Nam trong năm 2023.
19 sản phẩm tiêu biểu của ngành y tế TP.HCM năm 2023
Những thành tựu y học quốc tế nổi bật nhất trong năm 2022
AsiaPharm V: “Những tiến bộ và thành tựu khoa học dược và y sinh học”
Thêm nhiều thành tựu y khoa giúp bảo vệ sức khỏe người dân
1. Kỳ tích nối thành công cẳng chân bị đứt lìa sau một tuần cấy ghép "nuôi" ở chân lành
Ngày 14/1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã thực hiện thành công ca phẫu thuật 15 tiếng liên tục nối cẳng chân bị đứt rời sau khi được "nuôi" ở chân lành. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện ở Việt Nam.
Ca phẫu thuật thành công giúp người bệnh giữ được chân, tránh cắt cụt và tàn phế có thể sẽ bổ sung thêm cho ngành chấn chương chỉnh hình một giải pháp trong xử lý cấp cứu, phẫu thuật và bảo tồn chi cho các người bệnh không may bị tai nạn tương tự. Nó cũng chứng minh việc cấy ghép các bộ phận của cơ thể đến một vị trí khác để nuôi tạm chờ tái tạo lại đúng vị trí hoàn toàn khả thi.
2. Lần đầu tiên Việt Nam ghép thành công tim, thận cùng lúc cho một bệnh nhân
Ngày 15/2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép đa tạng (gồm tim và thận) cho một bệnh nhân mắc suy tim, thận giai đoạn cuối, từ một người chết não hiến đa tạng.
Đây là ca ghép đa tạng thành công lần thứ 4 và là ca ghép đa tạng (gồm tim và thận) đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2019, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép đa tạng (gồm gan và thận), đến nay bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh.
Cũng trong tháng 2, ngày 26/2, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đã có sự phối hợp để thực hiện ca ghép tạng xuyên Việt, khi "quả tim" của người hiến từ TPHCM ra sân bay về Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt Đức, với sự tham gia của hơn 40 y, bác sĩ thuộc nhiều đơn vị, sau ca ghép 8 giờ, "trái tim" của người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận.
3. Việt Nam có trung tâm tim mạch nhi xuất sắc đầu tiên do Mỹ công nhận
Ngày 18/7, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Tim mạch Xuất sắc - Children’s Heartlink Center of Excellence tại tầng 12 - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1. Trung tâm được Tổ chức Children’s HeartLink, một tổ chức Phi Chính phủ của Hoa Kỳ chuyên hỗ trợ, giúp đỡ các nước đang phát triển phát triển chuyên môn, kỹ thuật trong lĩnh vực tim mạch trẻ em.
Tại lễ ra mắt cũng diễn ra nghi thức trao chứng nhận "Trung tâm Tim mạch Xuất sắc của Children’s HeartLink" được tiến hành bởi ông Barry Jass, Giám đốc cấp cao Dự án và Vận hành của Children’s HeartLink. Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã trở thành Trung tâm Xuất sắc thứ 7 trên thế giới và là Trung tâm Tim mạch Xuất sắc đầu tiên của Children’s HeartLink tại Việt Nam.
Hiện có 6 trung tâm xuất sắc của Children’s HeartLink ở Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Malaysia.
4. Phát hiện thai nhi hết ối do đột biến gene ACE lần đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 17/8, TS BS Nguyễn Thị Sim, Phụ trách đơn vị can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, lần đầu tiên bác sĩ Việt Nam xác định được gene hiếm gây bệnh loạn sản ống thận, mất chức năng thận ở thai nhi trong bụng mẹ.
Trên thế giới, có ít các nghiên cứu về biến thể gene ACE liên quan đến ARRTD, đồng thời tại Việt Nam cũng chưa từng được báo cáo. Việt Nam lần đầu tiên phát hiện ra gene này, đặc biệt nhất là phát hiện ngay từ trước sinh nhờ kỹ thuật truyền ối vào buồng tử cung giúp lấy được mẫu ối.
Đây là tư liệu quý, là bằng chứng bổ sung thêm dữ liệu về độ biểu hiện kiểu hình bệnh cho ngân hàng dữ liệu gene thế giới, vì không phải nước nào cũng thực hiện được kỹ thuật truyền ối bào thai, lấy tế bào từ nước ối để phát hiện bệnh lý di truyền.
5. Kỳ tích phẫu thuật cứu thai nhi khi còn trong bụng mẹ
Ngày 29/8, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) chào đón một thiên thần nhỏ chào đời khỏe mạnh ở tuổi thai 37,5 tuần, sau khi được can thiệp tắc mạch điều trị bướu máu bánh nhau ở thời điểm thai 26 tuần.
Khi thai kỳ được 17 tuần, bác sĩ phát hiện có bướu máu bánh nhau, thai phụ được lên kế hoạch mổ lấy thai chủ động ở thời điểm thai 37,5 tuần, sau 11 tuần theo dõi đầy căng thẳng và hồi hộp sau phẫu thuật tắc mạch. Ca mổ lấy thai diễn ra cực kỳ thành công với lượng máu mất chỉ 200ml, em bé nặng 2,9 kg, khỏe mạnh và được da kề da cùng mẹ.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam can thiệp tắc mạch trong bào thai.
6. Lần đầu tiên đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể cứu 2 người tổn thương phổi nguy kịch
Ngày 31/8, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức tích cực của bệnh viện đã triển khai thành công kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể trên hai bệnh nhân nặng.
Cả hai bệnh nhân đều có tổn thương phổi nặng được các bác sĩ cứu sống nhờ kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật này, mở ra nhiều hi vọng cho các bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Kỹ thuật đào thải CO2 qua màng ngoài cơ thể là một kỹ thuật mới trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, được chỉ định trong hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ADRS), đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc các trường hợp tăng CO2 máu không đáp ứng với biện pháp thông khí nhân tạo trong một số bệnh lý. Trên thế giới, kỹ thuật này đã được triển khai một thời gian, thành công tại Châu Âu và Mỹ. Đây cũng là 2 bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được thụ hưởng kỹ thuật này.
7. Đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não giúp phẫu thuật động kinh thành công
Ngày 7/9, các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Trẻ em Alabama - Hoa Kỳ đã tiến hành 2 ca phẫu thuật đặt điện cực vỏ não, lập "bản đồ" vùng sinh động kinh để điều trị cho trẻ mắc động kinh kháng thuốc.
Đây là kỹ thuật rất khó, chỉ các trung tâm lớn mới có thể triển khai, hiện tại Việt Nam mới có Bệnh viện Nhi trung ương thực hiện được kỹ thuật này, với sự hỗ trợ của các giáo sư Mỹ đến từ Bệnh viện Trẻ em Alabama.
Để triển khai kỹ thuật, các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương đã chuẩn bị gần 2 năm, với nhiều bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ hồi sức và gây mê đi học ở Mỹ. Tới đây sẽ có thêm các bác sĩ Việt Nam tới Mỹ học để điều trị cho bệnh nhi mắc căn bệnh này.
8. Lần đầu tiên bác sĩ tim mạch Việt Nam thay van trong van động mạch chủ thành công
Ngày 18/10, Viện tim mạch Việt Nam đã tiến hành một ca phẫu thuật đặc biệt - thay van trong van cho một bệnh nhân 82 tuổi mắc bệnh lý tim mạch. Theo các bác sĩ, đây là một trường hợp khá đặc biệt trong thực hành lâm sàng mà trước đây vài năm, những người làm trong lĩnh vực tim mạch can thiệp không thể nghĩ lại có những tiến bộ đặc biệt như vậy.
Viện Tim Mạch Việt Nam là trung tâm đầu tiên trên cả nước thực hiện một cách độc lập kỹ thuật TAVI (Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da) với van trên bóng và kíp thủ thuật của Viện đã tiến hành một cách thành thạo trong khoảng thời gian 30 phút tính từ lúc chọc mạch đùi. Bệnh nhân chỉ cần gây ngủ và tỉnh ngay sau thủ thuật. Các thông số về huyết động được cải thiện rõ rệt ...
9. Việt Nam sản xuất thành công 2 loại thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư
Ngày 6/12, Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam pha chế thành công 2 loại thuốc phóng xạ mới để thực hiện ghi hình PET/CT trong chẩn đoán, theo dõi điều trị ung thư tuyến tiền liệt và u thần kinh nội tiết.
Trên thế giới, hai loại thuốc phóng xạ này đang được sử dụng rộng rãi cho người bệnh và đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận (năm 2020 với thuốc Ga-68 PSMA và năm 2016 với thuốc Ga-68 Dotatate).
10. Việt Nam là 1 trong 2 nước trên thế giới ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi ống mật 1 lỗ hàng đầu thế giới
Ngày 5/12, PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 4 tuổi, người Australia (gia đình đang làm việc tại Indonesia) mắc nang mật chủ, bằng phương pháp mổ nội soi 1 lỗ.
Bác sĩ Sơn cũng là bác sĩ đầu tiên, duy nhất hiện nay tại Việt Nam tiến hành phẫu thuật được bằng phương pháp này. Ông cũng được mệnh danh là bác sĩ có "đôi tay vàng" mổ nội soi ống mật 1 lỗ.
Đây là kỹ thuật khó, Việt Nam là 1 trong 2 nước trên thế giới đi đầu về phương pháp phẫu thuật này, với nhiều báo cáo kết quả được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Với phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị u nang ống mật chủ, bác sĩ chỉ thực hiện một vết rạch 2cm ở rốn. Tất cả mọi thao tác được tiến hành qua "lối vào" này nên gây rất ít thương tổn cho bệnh nhân. Đặc biệt, sau mổ không để lại sẹo.
Bình luận của bạn