Những thành tựu y học quốc tế nổi bật nhất trong năm 2022

Những thành tựu y học quốc tế nổi bật nhất trong năm 2022.

Những thành tựu và đổi mới trong lĩnh vực y học tuần qua

Phần 2: Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và y học hiện đại - Thành tựu và Hệ quả

Nhìn lại 2022 qua 10 sự kiện y tế đáng chú ý trong nước

Thêm nhiều thành tựu y khoa giúp bảo vệ sức khỏe người dân

Vaccine chữa khỏi bệnh ung thư

Lĩnh vực nghiên cứu ung thư đã đạt được những tiến bộ vào năm 2022 trong việc phát triển vaccine để ngăn chặn sự lây lan của tế bào ung thư và "dạy" hệ thống miễn dịch của cơ thể người chống lại những tế bào mới.

Hàng chục thử nghiệm lâm sàng đang thử nghiệm vaccine điều trị bằng mRNA ở những người mắc nhiều loại bệnh khác nhau bao gồm: ung thư tuyến tụy, ung thư đại trực tràng và các khối u ác tính.

Những "gã khổng lồ" trong ngành dược phẩm như Merk và Moderna đang sử dụng công nghệ mRNA để phát triển một loại vaccine điều trị đột phá cho các khối u ác tính, bằng cách sử dụng các đoạn mã di truyền từ khối u của bệnh nhân để "dạy" hệ thống miễn dịch cơ thể chống lại ung thư.

Các nhà nghiên cứu đã báo cáo vào đầu tháng này rằng, vaccine mRNA điều trị khối u ác tính, khi kết hợp với điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, đã giảm 44% nguy cơ tái phát và tử vong do khối u ác tính giai đoạn 3 và 4 so với chỉ điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.

Stephanie Gangi, 66 tuổi (ảnh bên trái) đã chứng kiến căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của mình biến mất sau khi nhận được một loại vaccine thử nghiệm. Trong khi, William Morrison, 53 tuổi, (bên phải) đã thuyên giảm bệnh sau khi tiêm vaccine ung thư của Mount Sinai (Mỹ)

Stephanie Gangi, 66 tuổi (ảnh bên trái) đã chứng kiến căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của mình biến mất sau khi nhận được một loại vaccine thử nghiệm. Trong khi, William Morrison, 53 tuổi, (bên phải) đã thuyên giảm bệnh sau khi tiêm vaccine ung thư của Mount Sinai (Mỹ)

Tiến sĩ William Schaffner, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ) cho biết:"Mọi người đã cố gắng phát triển vaccine ung thư trong một thời gian khá dài nhưng không mấy thành công. Hy vọng nếu chúng ta đầu tư đủ thời gian, năng lượng và trí tuệ vào nghiên cứu này, có lẽ 10 năm tới kể từ bây giờ, chúng ta sẽ có một số loại vaccine chống ung thư có thể được sử dụng rộng rãi và giúp thay đổi toàn bộ bức tranh về bệnh ung thư trên toàn cầu".

Hai vợ chồng Tiến sĩ Ugur Sahin và Ozlem Tureci chính là những "bộ não" đứng đằng sau loại vaccine phòng COVID-19 hiệu quả đầu tiên trên thế giới, đồng thời là nhà sáng lập ra công ty BioNTech (Đức), cũng đang phát triển một loại vaccine chống ung thư bằng công nghệ mRNA với kế hoạch "có thể được cung cấp rộng rãi trước năm 2030".

Theo các nhà nghiên cứu, vaccine chống ung thư có thể sẽ được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị khác, sau khi xạ trị hoặc phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể người bệnh và ngăn ngừa tái phát trong tương lai. Hiện vaccine mRNA chống ung thư của BioNTech có 8 "ứng cử viên" khác nhau trong các thử nghiệm lâm sàng bao gồm: vaccine ung thư tuyến tiền liệt, khối u ác tính, ung thư buồng trứng và ung thư phổi. Ngoài ra, cũng có những mũi vaccine được phát triển riêng để nhắm vào các khối u của từng bệnh nhân.

Thuốc mới đột phá trong điều trị bệnh Alzheimer

Sau hơn 30 năm nghiên cứu về bệnh Alzheimer, các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra một loại thuốc có thể làm chậm quá trình phát triển của bệnh Alzheimer. Hai hãng dược phẩm Eisai (Nhật Bản) và Biogen (Mỹ) đã phối hợp phát triển thuốc điều trị bệnh Alzheimer có tên là Lecanemab. Loại thuốc này điều trị bằng kháng thể đơn dòng, là loại thuốc đầu tiên có thể giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng và nhận thức ở các bệnh nhân giai đoạn đầu.

Phương pháp điều trị này đã gây được tiếng vang lớn trong năm 2022 sau những kết quả đầy hứa hẹn của các cuộc thử nghiệm lâm sàng về thuốc liên quan đến gần 1.800 người trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer.

Hình ảnh quét não của người mắc bệnh Alzheimer - Ảnh: Science Photo Library

Hình ảnh quét não của người mắc bệnh Alzheimer - Ảnh: Science Photo Library

Theo đó, ở những người sử dụng thuốc tiêm Lecanemab 2 lần/tuần trong 18 tháng, tiến trình thoái hóa não đã chậm lại tới 27% so với những người dùng giả dược. Nhóm dùng thuốc lecanemab cũng trải qua quá trình tích tụ amyloid (Bệnh thoái hóa tinh bột - amyloidosis) trong não chậm hơn.

TS Karol Sikora tại Đại học Buckingham ở Anh cho biết: "Chứng mất trí nhớ là một trong những vấn đề y tế lớn nhất mà xã hội phải đối mặt khi con người sống lâu hơn. Càng sống lâu thì chúng ta càng có nhiều khả năng mắc chứng mất trí nhớ. Một loại thuốc như thế này sẽ cho phép mọi người kéo dài sự sống của họ và quan trọng hơn là giảm chi phí chăm sóc, điều trị bệnh".

Thuốc giảm béo đầu tiên

Khi vòng eo của người Mỹ đang có xu hướng tăng lên, các nhà khoa học đã bắt đầu "để mắt" đến các loại thuốc mới có thể sử dụng để thúc đẩy quá trình giảm cân ở những người béo phì. Từ đây, cộng đồng khoa học cũng chỉ mới tiếp cận béo phì như một tình trạng sức khỏe cần can thiệp y tế hơn là một vấn đề gây ra bởi sự "thiếu ý chí".

Wegovy (semaglutide), một loại thuốc giảm béo đã "gây bão" trên toàn thế giới kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường vào năm ngoái, với việc giúp người dùng giảm 15% trọng lượng cơ thể trong 68 tuần trong các thử nghiệm lâm sàng, theo một báo cáo năm 2021 được công bố trên Tạp chí Y học New England.

Wegovy (semaglutide), thuốc giảm béo đầu tiên được coi là cách mạng hóa toàn bộ việc kiểm soát quá trình giảm cân ở người béo phì

Wegovy (semaglutide), thuốc giảm béo đầu tiên được coi là "cách mạng hóa" toàn bộ việc kiểm soát quá trình giảm cân ở người béo phì

Loại thuốc này đã được phê duyệt vào tháng 6/2021, trở thành loại thuốc trị béo phì đầu tiên được tung ra thị trường kể từ năm 2014. Loại thuốc tương tự với liều lượng thấp hơn có tên là Ozempic ra mắt vào năm 2020 để cải thiện việc điều chỉnh lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường.

Các chuyên gia cho rằng, loại thuốc này "có thể cách mạng hóa toàn bộ việc kiểm soát bệnh béo phì và đái tháo đường". Tuy nhiên, Wegovy và Ozempic có thể gây ra một số tác dụng phụ tương đối nghiêm trọng bao gồm: tiêu chảy, nôn mửa, táo bón, đau dạ dày, nhức đầu và mệt mỏi. Ngoài ra, điều "thú vị" là để giảm cân, bạn phải dùng thuốc suốt đời.

Hy vọng mới điều trị bệnh đa xơ cứng

Chứng đa xơ cứng (Multiple Sclerosis - MS) phát triển khi các tế bào miễn dịch bị rối loạn và tấn công các vỏ myelin có tác dụng bảo vệ các sợi thần kinh trong tủy sống và não. Sợi thần kinh bị tổn thương kéo theo các vấn đề về thị lực, đau, yếu và tê thỉnh thoảng xuất hiện, và trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Hiện không có thuốc chữa chứng đa xơ cứng, các bác sỹ chỉ có thể truyền các kháng thể làm suy giảm tế bào B, một loại tế bào bạch cầu, để hạn chế bệnh tái phát.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện ra, việc nhiễm virus Epstein-Barr (EBV), một loại virus herpes lây nhiễm cho hầu hết mọi người ở tuổi vị thành niên và sau đó tiềm ẩn trong tế bào B suốt đời, cũng làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển chứng đa xơ cứng ở người.

Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Alberto Ascherio, chuyên gia dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Harvard Chan cho biết: "Giả thuyết EBV gây ra MS đã được nhóm của chúng tôi và những người khác điều tra trong vài năm, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên cung cấp bằng chứng thuyết phục về quan hệ nhân quả. Nếu lý thuyết về virus EBV kích hoạt phản ứng miễn dịch bất thường đối với các mẫu myelin là đúng, thì nó sẽ không chỉ mở ra con đường miễn dịch giúp tạo ra vaccine ngăn chặn virus mà còn tạo ra các loại thuốc để sửa chữa các myelin bị tổn thương".

Cũng trong năm nay, các nhà khoa học có trụ sở tại Mỹ đã phát triển một liệu pháp tế bào T nhắm vào virus gây chứng sốt viêm tuyến bạch cầu (virus Epstein-Barr hay EBV, thuộc họ virus Herpes), được công nhận là nguyên nhân gây ra bệnh đa xơ cứng. Nghiên cứu phát hiện ra rằng các tế bào miễn dịch chống lại bệnh sốt tuyến có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh thoái hóa hoặc thậm chí đảo ngược một số thiệt hại.

Cấy tủy sống giúp bệnh nhân bị liệt đi lại 

Công nghệ cấy thiết bị điện cực vào tủy sống đã giúp những bệnh nhân bại liệt có thể đi lại.

Ông Michel Roccati, người Italy, gặp một tai nạn nghiêm trọng khiến ông bị liệt hoàn toàn phần thân dưới. Tuy nhiên, giờ đây, ông đã đi bộ được trở lại nhờ phương pháp cấy ghép tủy sống. Một giờ đồng hồ sau khi phẫu thuật, ông Roccati đã có thể thực hiện những bước đi đầu tiên.

Ông Gregoire Courtine, Học viện Công nghệ Lausanne, Thụy Sỹ, nói: "Chúng tôi đã cấy các thiết bị điện cực vào tủy sống để kích hoạt chính xác những cơ chân của những người bị liệt. Với công nghệ này, những người bị liệt hoàn toàn vẫn có thể đi lại sau vài tháng phục hồi chức năng thông qua kích thích điện tới tủy sống".

Với việc luyện tập hàng ngày, ông Roccati có thể đứng và đi bộ gần 1 km với sự hỗ trợ của một khung đỡ để giữ thăng bằng. Việc cấy ghép thành công cho ông Roccati mở ra hy vọng cho nhiều người bại liệt có thể vận động trở lại.

Người đàn ông sống với quả tim lợn suốt 2 tháng

David Bennett, 57 tuổi, ở Hagerstown, Maryland, bệnh nhân đầu tiên sống được 2 tháng sau cuộc phẫu thuật ghép thay thế quả tim lợn, và tử vong do nhiễm trùng, không phải do thải ghép - Ảnh: Dailymail

David Bennett, 57 tuổi, ở Hagerstown, Maryland, bệnh nhân đầu tiên sống được 2 tháng sau cuộc phẫu thuật ghép thay thế quả tim lợn, và tử vong do nhiễm trùng, không phải do thải ghép - Ảnh: Dailymail

Các nhà khoa học đã cấy ghép thành công tim lợn cho một người đàn ông vào đầu năm nay trong một cuộc phẫu thuật được coi là "kỳ tích" mang lại hy vọng cho tình trạng thiếu nội tạng của người hiến tặng trên toàn cầu.

Theo đó, các chuyên gia của Trung tâm Y tế Đại học Maryland đã biến đổi gene tim để loại bỏ gene lợn, kích hoạt quá trình đào thải siêu nhanh và thêm gene người để giúp cơ thể chấp nhận nội tạng hiến.

Trong khi người nhận tim lợn, một người đàn ông ở Maryland (Mỹ) bị bệnh nan y tên là David Bennett đã qua đời hai tháng sau cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, cái chết của ông David Bennett được cho là do quả tim lợn bị nhiễm trùng chứ không phải do ca phẫu thuật thất bại.

Việc cơ thể ông David Bennett không đào thải nội tạng động vật được thay thế ngay lập tức là một thắng lợi lớn về mặt y học và là cột mốc quan trọng trong cấy ghép ngoại lai.

TS William Schaffner cho biết: "Nếu điều này có thể được thực hiện một cách thường xuyên, an toàn và hiệu quả, hứa hẹn sẽ mang lại khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị mà trước đây chúng ta chưa có".

Theo Dailymail, nhu cầu về nội tạng cần được hiến tặng là rất lớn và nguồn cung hạn chế không thể theo kịp nhu cầu ngày càng lớn. Hơn 106.000 người Mỹ đang chờ ghép tạng và 17 người chết mỗi ngày trong danh sách chờ đó. Năm ngoái, chỉ có hơn 3.800 ca cấy ghép tim ở Mỹ, cũng là một con số kỷ lục tại quốc gia này, theo Mạng lưới Chia sẻ Nội tạng Thống nhất (UNOS), cơ quan giám sát hệ thống cấy ghép quốc gia.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Dailymail/USAToday)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin