Tân sinh viên mới bước vào môi trường mới dễ bị sốc và gặp phải các vấn đề về tâm lý
Khắc phục rụng tóc do stress
9 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang gặp stress
Cẩm nang cho tân sinh viên: Bí quyết học tập và quản lý thời gian
Cẩm nang cho tân sinh viên: Bí kíp hòa nhập nhanh, kết bạn mới
Theo TS Tâm lý học Rachell Weller – Trường Đại học Y Icahn (Mỹ), sinh viên đại học, cao đẳng thường đối mặt với mức độ stress và các vấn đề về sức khỏe tâm lý cao hơn người không tiếp tục đào tạo sau bậc THPT.
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, trong hai năm 2020-2021, hơn 60% sinh viên đáp ứng đủ tiêu chí mắc ít nhất một rối loạn tâm lý. Các vấn đề phổ biến nhất gồm: Rối loạn lo âu, trầm cảm, nghiện chất, rối loạn ăn uống và rối loạn stress sau sang chấn.
Cuộc sống của tân sinh viên, đặc biệt khi đi học xa nhà, sẽ thay đổi đáng kể so với thời học sinh. Đây cũng là cơ hội cho bạn chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình ngay từ sớm. Nhờ đó, bạn có thể tận hưởng thời sinh viên cũng như trang bị kỹ năng cần thiết để bảo vệ sức khỏe tinh thần sau này.
Tham gia câu lạc bộ ngoại khóa
Với những sinh viên năm nhất lần đầu rời xa gia đình, việc tạo dựng các mối quan hệ tốt ngoài lớp học sẽ giúp các bạn duy trì sức khỏe tinh thần. Ngoài giảng đường và ký túc xá, bạn có thể cân nhắc tham gia một vài câu lạc bộ, nhóm hoạt động trong trường đại học, cao đẳng của mình.
Chỉ tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm được trường chấp thuận. Tránh tham gia các hội nhóm tự phát, có nguy cơ lừa đảo, lôi kéo sinh viên.
TS Weller cho rằng, các hoạt động theo nhóm phù hợp với bạn sẽ đem lại cảm giác kết nối chặt chẽ và thoải mái, đồng thời cũng là nơi hỗ trợ tâm lý khi bạn gặp khó khăn. Đây có thể là các hội sinh viên, hội tình nguyện, câu lạc bộ thể thao hoặc tham gia công việc làm thêm trong giảng đường (trợ lý nghiên cứu, trợ lý các phòng ban).
Duy trì thói quen tập thể dục
Nếu bạn có nhiều thời gian rảnh rỗi, hãy cố gắng duy trì thói quen tập thể dục đều đặn. Đây là biện pháp giúp đẩy lùi cảm giác tiêu cực như lo âu, chán nản, stress hiệu quả. Bạn có thể tận dụng cơ sở vật chất của trường, ký túc xá như phòng tập, sân bóng rổ. Các hoạt động đơn giản như đi bộ quanh khuôn viên trường cũng giúp cơ thể tiết ra endorphin, cải thiện tâm trạng hiệu quả.
Tham gia các câu lạc bộ thể dục, thể thao của trường (các môn võ, cầu lông, cheerleading) vừa giúp sinh viên kết bạn, cũng là cách vận động thể chất hiệu quả.
Hạn chế thức khuya, hoạt động qua đêm
Với sức trẻ và sự tự do khi rời xa gia đình, sinh viên thường "hoạt động về đêm", đặc biệt trong những kỳ thi cuối kỳ quan trọng. Tuy nhiên, để chăm sóc sức khỏe tinh thần lâu dài, bạn nên ưu tiên chất lượng giấc ngủ. Não bộ cần ngủ để nghỉ ngơi, cũng như để học tập, xử lý các cảm xúc và trải nghiệm tiêu cực.
Mỗi đêm, bạn cần ngủ ít nhất 7 tiếng đồng hồ. Đây là căn cứ quan trọng khi bạn sắp xếp thời gian biểu sinh hoạt, cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi. Điều này cũng có nghĩa là bạn nên chuẩn bị tinh thần cho các bài thi, thay vì để "nước đến chân" mới thức đêm để hoàn thành.
Nếu bạn ở ký túc xá hoặc có bạn cùng phòng, hãy trao đổi và đưa ra các quy định nhằm bảo vệ giấc ngủ của nhau (ví dụ như không nghe nhạc, làm ồn sau 11h).
Tìm một thói quen chăm sóc bản thân
Giới trẻ ngày càng ưu tiên hoạt động self-care, tức nuôi dưỡng bản thân, cả về tinh thần, thể chất và cảm xúc. Và vì thế, mỗi người sẽ có nhu cầu và sở thích khác nhau khi tìm kiếm các hoạt động chăm sóc chính mình. Self-care không phải nuông chiều cơ thể, mà đôi khi, bạn cần nhận ra những hành vi thiếu lành mạnh và cố gắng thay đổi chúng.
Nhìn chung, các chiến lược chăm sóc cho bản thân gồm: Tập thể dục; Ngủ đủ giấc; Đi kèm các thói quen thư giãn tinh thần như thiền định, viết nhật ký, làm thủ công, đọc sách... Self-care còn là dành thời gian với bạn bè và người yêu quý, cùng xem phim hoặc đắp mặt nạ thư giãn.
Bạn có thể bắt đầu thói quen tốt với cơ thể 10 phút/ngày, nếu thấy hợp lý thì hãy kéo dài thời gian dành cho chúng. Với lợi thế là tuổi trẻ, bạn nên quyết tâm, thử nghiệm để tìm ra hoạt động phù hợp.
Tìm kiếm sự trợ giúp
Tân sinh viên phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về tâm lý, từ nỗi nhớ nhà, áp lực đồng trang lứa, áp lực về kinh tế hoặc các sự cố đáng tiếc khi phải tự lập. Sinh hoạt tự do và đảo lộn, khiến nhiều bạn không ăn, ngủ đúng giờ.
Nếu bạn gặp phải một sự việc để lại sang chấn tâm lý, đừng quên rằng bạn luôn có thể tìm đến sự trợ giúp từ trường và các chuyên gia tâm lý. Các trường đại học đều có trạm y tế và phòng Công tác sinh viên, sẵn sàng tư vấn các vấn đề mà sinh viên thường gặp. Ngoài ra, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, bạn có thể tìm đến các viện sức khỏe tâm thần uy tín.
Bình luận của bạn