Nên làm gì để não bộ luôn minh mẫn và nhạy bén?
5 biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ trí não
5 điều nên làm mỗi tối giúp não bộ khoẻ mạnh hơn
3 cách vitamin B hỗ trợ não bộ khỏe mạnh
5 thói quen tốt cho não bộ khỏe mạnh
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên, lý tưởng là tập ít nhất 150 phút mỗi tuần có tác động lớn đến sức khỏe thể chất và nhận thức. Những bài tập kết hợp rèn luyện chức năng thể chất và nhận thức đặc biệt hiệu quả để cải thiện trí nhớ và sức khỏe não bộ. Bạn hãy thử đổi mới nơi tập thể dục, chẳng hạn như đi bộ, đạp xe trên một đoạn đường mới để tâm trí và thể chất hoạt động song song.
Ăn uống lành mạnh
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày là cách để giữ não bộ nhạy bén khi già đi. Đặc biệt, chế độ ăn uống MIND hiệu quả trong việc ngăn ngừa suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer. Chế độ ăn này có 15 thành phần ăn kiêng, trong đó có 10 nhóm thực phẩm tốt cho não bộ gồm các loại rau lá xanh, các loại rau khác, các loại hạt, quả mọng, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, dầu ô liu, resveratrol (một hợp chất polyphenol có trong rượu vang, lạc, quả mọng và nho) và cá với lượng vừa phải.
Thở trong chánh niệm
Việc trải qua căng thẳng liên tục có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhận thức. Căng thẳng mạn tính hoặc dai dẳng làm suy giảm, thậm chí làm chết tế bào thần kinh. Biểu hiện là làm teo (thu nhỏ kích thước) các vùng trí nhớ quan trọng trong não. Rối loạn chức năng và thoái hóa tế bào thần kinh làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer và chứng mất trí nhớ.
Các bài tập thở, thiền hoặc yoga có thể làm giảm tác hại của căng thẳng lên não bằng cách làm chậm nhịp tim, thư giãn mạch máu để hạ huyết áp, tăng cường các yếu tố miễn dịch, giảm lượng đường trong máu, cải thiện tâm trạng.
Kết nối với mọi người
Dành thời gian với bạn bè, gia đình hoặc người quen cũng là cách giữ não bộ minh mẫn. Việc duy trì các mối quan hệ xã hội giúp giảm đáng kể các nguy cơ về nhận thức khi già đi, dù là gặp trực tiếp hoặc qua internet.
Theo Scott Kaiser (làm việc tại Viện Khoa học thần kinh Thái Bình Dương, Mỹ - the Pacific Neuroscience Institute), sự cô lập và cô đơn tác động tiêu cực đến sức khỏe ngang với béo phì, ít hoạt động thể chất, hút 15 điếu thuốc mỗi ngày, và có liên quan đến tăng khoảng 50% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Giúp đỡ người khác
Về khía cạnh sức khỏe nhận thức, giúp đỡ người khác cũng là cách bạn giúp đỡ mình. Theo Kaiser, các hoạt động tình nguyện, sự giúp đỡ và có ý thức mạnh mẽ về mục đích cuộc sống là những yếu tố "bí mật" của quá trình lão hóa khỏe mạnh và là một trong những cách hiệu quả để cải thiện bộ não.
Hoạt động sáng tạo và nghệ thuật
Những hoạt động sáng tạo như ca hát, chơi nhạc cụ, vẽ, viết thơ... không chỉ mang lại niềm vui, sự thoải mái mà còn có tác dụng bảo vệ thần kinh. Việc chơi nhạc cụ trong suốt cuộc đời còn có liên quan đến giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Dù ở độ tuổi nào, những hoạt động nghệ thuật và sự sáng tạo này cũng đều đem lại lợi ích.
Ngủ ngon
Người trưởng thành ngủ đủ giấc từ 7-9 giờ mỗi ngày sẽ giúp não bộ luôn minh mẫn. Theo Scott Kaiser, "số lượng và chất lượng giấc ngủ cần thiết để dọn sạch các mảnh vụn, 'thiết lập lại' mạng lưới thần kinh và cung cấp thời gian ngừng nghỉ cho các hệ thống khác nhau trong não - có tác động sinh lý sâu sắc, ảnh hưởng đến suy nghĩ, trí nhớ và tâm trạng hàng ngày của chúng ta cũng như nguy cơ của sự suy giảm nhận thức và chứng mất trí nhớ về lâu dài". Bạn nên ưu tiên giấc ngủ lên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe não bộ. Vì ngay cả việc ngủ ít hơn 1 hoặc 2 giờ mỗi đêm chỉ trong vài đêm liên tiếp cũng có thể gây ra những ảnh hưởng lên não kéo dài.
Bình luận của bạn