- Chuyên đề:
- Sinh tố, nước trái cây
Hoa đậu biếc có thể dùng để pha chế nhiều thức uống giải nhiệt
Hoa đậu biếc: Không chỉ đẹp mà còn tốt cho sức khỏe
Giải nhiệt mùa Hè với mocktail vải
Giải nhiệt ngày Hè với món Salad dưa chuột dễ làm ngay tại nhà
Cách pha trà đào gừng dễ làm tại nhà
Ai cần thận trọng khi dùng hoa đậu biếc?
Hoa đậu biếc (còn được gọi là đậu hoa tím, bông biếc) được biết đến với vô vàn công dụng cho sức khỏe. Theo y học cổ truyền, hoa đậu biếc xuất hiện trong nhiều bài thuốc nhằm lợi tiểu, kiểm soát mồ hôi. Còn theo y học hiện đại, hoa đậu biếc giàu anthocyanin – loại sắc tố thực vật có tính chống oxy hóa, tạo nên màu xanh đậm đến tím của loài hoa.
Tuy nhiên, nhiều người thổi phồng tác dụng của hoa đậu biếc như “thần dược” với bệnh đái tháo đường, mỡ máu cao, béo phì. Nếu sử dụng như thức uống, hoa đậu biếc không có khả năng chữa trị bệnh, chỉ có thể hỗ trợ tăng cường một số chức năng của cơ thể.
Hoạt chất anthocyanin trong hoa đậu biếc sẽ không gây nguy hiểm với người trưởng thành khi sử dụng 1-2 ly trà hoa đậu biếc mỗi ngày (khoảng 5-10 bông khô). Tuy nhiên, lạm dụng thức uống từ hoa đậu biếc có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của một số đối tượng:
Người có huyết áp thấp, đường huyết thấp
Nguồn tin báo Tiền Phong cho hay, lương y Hồng Thuý Hằng - Hội Đông y Cà Mau nhận định, hoa đậu biếc có tính hàn, có thể gây lạnh bụng. Những người có tiền sử huyết áp thấp và đường huyết thấp không nên dùng nhiều kẻo gây ra tình trạng choáng váng và chóng mặt, buồn nôn.
Người đang dùng thuốc chống đông máu, có nguy cơ chảy máu
Anthocyanin trong hoa đậu biếc có tác dụng ức chế tập kết tiểu cầu, tăng lưu thông máu. Vì thế, người chuẩn bị phẫu thuật, người đang dùng thuốc chống đông máu không nên sử dụng thức uống có hoa đậu biếc để tránh nguy cơ chảy máu. Anthocyanin cũng thúc đẩy sự co bóp tử cung, nên cần hạn chế với phụ nữ mang thai hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt.
Người cao tuổi, trẻ nhỏ
Với những bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền mạn tính, việc dùng thêm bất cứ thực phẩm chứa hoạt chất anthocyanin như hoa đậu biếc cũng cần phải thận trọng. Nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ để tránh các tương tác thuốc. Ngoài ra, cơ thể của trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh vẫn còn non yếu, chưa hoàn thiện nên không phù hợp để sử dụng loại trà hoa này.
Công thức đồ uống giải nhiệt với hoa đậu biếc
Khi sử dụng ở liều lượng hợp lý, hoa đậu biếc có thể pha chế thành nhiều thức uống giải khát mùa Hè tốt cho sức khỏe:
Trà đậu biếc
Cho 5 bông hoa đậu biếc khô vào 250ml nước nóng. Ủ trong khoảng 10-15 phút để có màu đậm nhất. Để trà dễ uống hơn, bạn có thể pha thêm mật ong và nước cốt chanh (nước cốt chanh tạo màu tím hồng đẹp mắt). Thêm đá và thưởng thức.
Soda đậu biếc
Ngâm nước đậu biếc theo công thức trên. Sau đó, bạn có thể lấy nước cốt có màu xanh đẹp mắt này để pha chế các thức uống giải nhiệt như soda, cocktail. Bạn cũng có thể làm đá viên màu xanh từ nước trà đậu biếc để trang trí cho các món đồ uống hấp dẫn.
Latte đậu biếc
Latte vốn là thức uống kết hợp giữa cà phê espresso và sữa. Bạn có thể biến tấu món latte đậu biếc có hai màu xanh – trắng mát mắt để thưởng thức trong ngày Hè.
Nguyên liệu (cho 2 người uống): 500ml nước, 80ml sữa béo half & half (hỗn hợp sữa và kem tươi, thích hợp để pha chế cà phê, đồ uống), 10 bông hoa đậu biếc khô, 30ml sữa đặc có đường, 5ml tinh chất vanilla. Công thức này giúp thức uống có mùi thơm và vị béo ngậy nhất.
Cách thực hiện:
- Đun nước nóng, ngâm hoa đậu biếc với nước trong 5 phút, để nguội.
- Cho sữa đặc, sữa béo, tinh chất vanilla vào bình, khuấy đều để các nguyên liệu hòa quyện.
- Cho trà đậu biếc vào cốc cao thành có đá. Sau đó, từ từ đổ hỗn hợp sữa vanilla lên trên. Sữa sẽ chảy dần xuống nước trà, tạo thành vệt màu loang đẹp mắt.
Bình luận của bạn