Có gì trong bữa ăn của 10 chế độ ăn kiêng phổ biến?

Ăn gì trong các chế độ ăn kiêng phổ biến?

5 cách đơn giản nhất để cắt giảm đường trong chế độ ăn hàng ngày

Chế độ ăn kiêng low-carb có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ

Chế độ ăn DASH giúp giảm nguy cơ suy tim hiệu quả tới 40%

Nuôi trẻ thuần chay: Lợi ích và rủi ro bố mẹ cần biết

Tìm hiểu các chế độ ăn kiêng phổ biến ngay dưới đây:

1. Chế độ ăn 30 ngày (Whole30 diet)

Đây là một chương trình ăn kiêng trong 30 ngày nhằm thanh lọc cơ thể và giảm cân nhanh. Bạn không cần nhịn ăn mà chỉ cần loại bỏ đường, ngũ cốc, các loại đậu, các sản phẩm từ sữa bò, đậu nành và thực phẩm chế biến trong 30 ngày. Bạn thay thế chúng bằng nhiều rau, trứng, hải sản, thịt, trái cây và các loại hạt. Theo những người sáng tạo nên chế độ ăn này, cặp đôi huấn luyện viên và chuyên gia dinh dưỡng thể thao người Mỹ Dallas - Melisa Hartwig, điều này thiết lập lại thói quen ăn uống của bạn và cắt bỏ thực phẩm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, sau 30 ngày, bạn có khả năng sẽ trở lại thói quen ăn uống cũ và chế độ ăn uống này được cho là quá khắc nghiệt.

2. Chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean diet)

Chế độ ăn kiêng này mô phỏng ẩm thực của các nước Địa Trung Hải, như Hy Lạp và Ý. Trọng tâm là rau và trái cây, cùng với ngũ cốc nguyên hạt, dầu olive, gia vị, thảo mộc, các loại hạt và đậu. Đối với protein, bạn chủ yếu tiêu thụ cá và thịt gia cầm. Bạn cũng có thể tiêu thụ một lượng thịt đỏ, sữa và rượu vang đỏ vừa phải. Các chuyên gia đồng ý rằng chế độ ăn kiêng này tốt cho sức khỏe của bạn, đặc biệt nó có thể giúp phòng chống bệnh tim và Alzheimer.

3. Chế độ ăn Zone (Zone diet)

Khi thực hiện chế độ ăn Zone, bạn ăn ba bữa chính và hai bữa ăn nhẹ mỗi ngày. Mỗi bữa ăn bao gồm 1/3 là protein nạc (chẳng hạn như cá và thịt gia cầm) và 2/3 là trái cây, rau hoặc đậu. Bạn phải tránh xa những thực phẩm giàu đường hoặc tinh bột, như khoai tây. Bạn có thể tiêu thụ thêm một ít chất béo lành mạnh, như dầu olive, quả bơ hoặc hạnh nhân. Combo này cung cấp 40% carbohydrate, 30% protein và 30% chất béo giúp chống viêm tốt.

4. Chế độ ăn Keto (Ketogenic diet)

Chế độ ăn này hạn chế tiêu thụ carbohydrate, giúp cơ thể chỉ đốt cháy chất béo để tạo năng lượng (trạng thái gọi là ketosis), từ đó bạn có thể giảm cân nhanh hơn. Để đạt được điều đó, chế độ ăn của bạn bao gồm 70 - 80% là chất béo, 10 - 20% là protein và 5 - 10% carbohydrate. Tác dụng không mong muốn là có thể dẫn đến táo bón và mệt mỏi. Trong thời gian dài, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, sỏi thận và bệnh tim.

5. Chế độ ăn DASH (DASH diet)

DASH là viết tắt của “dietary approaches to stop hypertension” - chế độ ăn kiêng để ngăn ngừa tăng huyết áp. Tuy nhiên, chế độ ăn này tốt cho bạn ngay cả khi bạn không gặp các vấn đề về huyết áp. Chế độ ăn này nhấn mạnh việc ăn ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ và hạn chế tiêu thụ muối, đồ ngọt, chất béo bão hòa. Nên tiêu thụ sữa ít béo, protein nạc, các loại dầu lành mạnh, các loại hạt, đậu và đậu Hà Lan tốt cho sức khỏe. Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn DASH làm giảm huyết áp, cholesterol và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

6. Chế độ ăn người thượng cổ (Paleo diet)

Chế độ ăn này được lấy cảm hứng từ chế độ ăn của con người thời kỳ đồ đá (khoảng 12.000 năm trước). Paleo rất giàu protein và chất xơ nhưng lại loại bỏ gluten, đường, bơ sữa, đậu, tinh bột, chất cồn và thực phẩm đã qua chế biến... Thịt, hải sản và trứng gà thả vườn chiếm 30% lượng calorie mỗi ngày. Rau củ quả tươi cung cấp 30% và lượng calorie còn lại đến từ các loại hạt và dầu lành mạnh. Chế độ ăn kiêng này sẽ giúp bạn giảm béo mà không cần cắt giảm lượng calorie, đồng thời ngăn ngừa cơ thể mắc phải những bệnh mạn tính nguy hiểm. Tuy nhiên, nó lại loại bỏ các thực phẩm lành mạnh khác như ngũ cốc.

7. Chế độ ăn South Beach (South Beach diet)

Được tạo ra bởi một bác sỹ tim mạch, chế độ ăn kiêng low-carb này có ba giai đoạn. Trong 2 tuần, bạn loại bỏ gần như tất cả các loại carbohydrate, bao gồm cả trái cây và ngũ cốc. Bạn chỉ ăn rau, sữa ít béo, protein nạc và chất béo lành mạnh. Sau đó, bạn ăn thêm trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau có tinh bột trở lại. Khi bạn đạt được cân nặng như ý, bạn có thể ăn bất cứ thứ gì trong chừng mực, bao gồm cả carbohydrate (tối đa 28% tổng lượng calorie hàng ngày). Chế độ ăn này mang lại hiểu quả giảm cân tốt, nhưng bạn có khả năng bị đau đầu và mệt mỏi.

8. Chế độ ăn MIND (MIND diet)

MIND là sự kết hợp của hai chế độ ăn uống lành mạnh khác là chế độ ăn DASH và chế độ ăn Địa Trung Hải. Mục đích của kế hoạch ăn uống này là để tăng cường sức khỏe não bộ. MIND tập trung vào các loại thực phẩm bảo vệ não của bạn, bao gồm rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, đậu và dầu olive. Ngoài ra, bạn có thể ăn thêm các loại quả mọng, cá béo và thịt gia cầm. Bạn có thể nhâm nhi một ly rượu vang đỏ mỗi ngày. Một nghiên cứu cho thấy chế độ ăn kiêng này có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer của bạn xuống 53%.

9. Chế độ ăn Atkins (Atkins diet)

Đây là chế độ ăn kiêng low-carb với bốn giai đoạn: Trong 2 tuần, bạn ăn chủ yếu là protein, phô mai và rau như rau lá xanh, hỉ 10% tổng lượng calorie mỗi ngày là đến đến từ carbohydrate; Tiếp theo, bạn được ăn thêm các loại hạt, quả mọng và hạt; Khi bạn đạt gần cân nặng như ý, bạn có thể ăn thêm rau có tinh bột, nhiều trái cây và ngũ cốc; Cuối cùng, bạn duy trì sự cân bằng này. Chế độ ăn này có thể phòng ngừa, hỗ trợ điều trị đái tháo đường, nhưng có khả năng khiến cho bạn mệt mỏi, khó ngủ.

10. Chế độ ăn kiềm hóa (Alkaline diet)

Theo những người ủng hộ chế độ ăn kiêng này, việc tiêu thụ một số loại thực phẩm giàu kiềm có thể làm thay đổi tính acid của cơ thể bạn. Ăn thực phẩm có tính kiềm làm giảm độ pH của cơ thể, giúp bạn giảm cân và tăng cường sức khỏe. Bạn cần tránh thịt, cá, trứng, phô mai, nhiều loại ngũ cốc và thực phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, hãy tiêu thụ nhiều rau, trái cây, các loại đậu và đậu nành. Những thực phẩm này tốt cho bạn và chúng có thể dẫn đến giảm cân. Nhưng lợi ích này không phải tới từ tính kiềm của thực phẩm Các chuyên gia đồng ý rằng những gì bạn ăn không thực sự ảnh hưởng đến mức độ pH của cơ thể bạn.

Biết Tuốt H+ (Theo WebMD)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng