Ăn tỏi sống: Lợi ích không ngờ và những điều cần cẩn trọng

Cần cân nhắc lợi ích và tác hại khi ăn tỏi sống để tận dụng được những ưu điểm đồng thời hạn chế rủi ro cho sức khỏe

Những tác dụng phụ của tỏi sống có thể bạn chưa biết

Ăn tỏi sống: Lợi hại song hành

Tác hại khi ăn quá nhiều tỏi và tỏi sống

Tỏi sống - 'vũ khí' ngừa ung thư phổi

Tự chữa viêm họng với tỏi sống

Tỏi sống và tỏi nấu chín – Loại nào tốt hơn?

Mặc dù cả tỏi sống và tỏi nấu chín đều có nhiều lợi ích cho sức khỏe đã được khoa học chứng minh, nhưng khi tỏi được cắt mỏng, đập dập hoặc băm nhỏ và nhai sống, enzyme alliinase trong tỏi sẽ được kích hoạt và giải phóng allicin.

Allicin là một chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh và có một số dược tính có lợi giúp cho cơ thể tăng cường khả năng chống lại bệnh tật. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng allicin có tác dụng ức chế sự phát triển của những tế bào ung thư, đồng thời có thể cải thiện sức khỏe tim mạch.

Allicin dễ mất hoạt tính sau khi được hình thành và càng để lâu hoạt tính càng mất đi nhiều hơn. Đặc biệt, hoạt tính của nó sẽ bị phá hủy khi ở nhiệt độ cao.

Allicin là hợp chất hoạt tính sinh học chính trong tỏi sống có đặc tính kháng khuẩn và hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch

Allicin là hợp chất hoạt tính sinh học chính trong tỏi sống có đặc tính kháng khuẩn và hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch

Lợi ích sức khỏe của tỏi sống

Ăn tỏi sống hàng ngày mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể như:

Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch

Tỏi chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm vitamin C, vitamin B1, ​​B6, kali, selen và magne. Do đó, ăn tỏi sống có thể giúp bạn khỏe mạnh hơn bằng cách tăng cường khả năng miễn dịch, giảm viêm của cơ thể, đặc biệt là công dụng phòng chống cảm lạnh và cảm cúm. Theo một nghiên cứu vào năm 2020 được đăng tải trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng việc ăn tỏi hàng ngày giúp giảm 63% số lần cảm lạnh. Ngoài ra, allicin - thành phần chính có trong tỏi - còn giúp chống nhiễm trùng.

Giảm lượng đường huyết lúc đói

Nếu bạn muốn hạ lượng đường trong máu, hãy thử ăn tỏi sống kèm thức ăn. Nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa và hợp chất allicin dồi dào, tỏi sống có thể giúp hạ thấp mức homocysteine. Homocysteine là một amino acid trong cơ thể. Nồng độ homocysteine bất thường có thể là dấu hiệu thiếu hụt vitamin. Nó cũng có mối liên quan đến nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch.

Ăn tỏi sống có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch

Ăn tỏi sống có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch

Các nghiên cứu khác nhau với 768 bệnh nhân đái tháo đường type 2 đã dùng thực phẩm bổ sung có tỏi (chứa allicin) hàng ngày trong khoảng từ 0,05gr - 1,5gr. Kết quả cho thấy lượng đường trong máu lúc đói giảm đáng kể chỉ trong vòng 1 - 2 tuần.

Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Hợp chất allicin chính trong tỏi được cho là chịu trách nhiệm cho chức năng hạ huyết áp. Ngoài ra, nó đã được chứng minh là làm tăng sản xuất nitric oxide, giúp thông tắc động mạch và hạ huyết áp.

Từ 12 thử nghiệm được phân tích với 553 người tham gia bị tăng huyết áp, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỏi có thể làm giảm huyết áp tâm thu (áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp) trung bình 8,3±1,9 mmHg và huyết áp tâm trương (áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra) là 5,5±1,9 mmHg - tương tự như các loại thuốc chống tăng huyết áp tiêu chuẩn trên thị trường hiện nay. Hơn nữa, sự giảm huyết áp này có liên quan đến việc giảm 16 - 40% số người có khả năng mắc các biến cố tim mạch.

Bảo vệ sức khỏe não bộ

S-allyl-cysteines (SAC), một thành phần có hoạt tính sinh học trong tỏi, đã được chứng minh trong một số nghiên cứu là có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh chống lại độc tính beta-amyloid (A) và apoptosis, giúp phòng chống lại một số bệnh nhất định, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.

Người lớn được khuyến nghị nên ăn khoảng 4gr (tương đương một đến hai tép) tỏi sống mỗi ngày.

Người lớn được khuyến nghị nên ăn khoảng 4gr (tương đương một đến hai tép) tỏi sống mỗi ngày.

Tác dụng phụ của việc ăn tỏi sống

Nhìn chung, việc thường xuyên ăn tỏi sống là tương đối an toàn, nhưng nếu ăn với lượng quá nhiều có thể dẫn đến một số tác dụng phụ bất lợi, chẳng hạn như ợ nóng, tiêu chảy, hôi miệng hay mùi cơ thể.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn còn có thể bao gồm:

- Tăng nguy cơ chảy máu: Một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng của việc ăn quá nhiều tỏi sống là nó có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Những người dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc làm loãng máu phải nhận thức về tác dụng phụ đặc biệt này nhằm phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.

- Các vấn đề về tiêu hóa: Tỏi có hàm lượng cao fructan - một loại carbohydrate có thể dẫn đến chướng bụng, đầy hơi và đau dạ dày ở một số người. Ngoài ra, nó cũng có thể gây kích ứng đường tiêu hóa. Nếu tình trạng này xảy ra, hãy thử chuyển sang tỏi nấu chín thay vì ăn sống. Điều này có thể giúp làm giảm một số tác dụng bất lợi liên quan đến tiêu hóa, bao gồm cả trào ngược acid.

Cho dù ăn tỏi sống, tỏi bột hay tỏi đã nấu chín, bạn đều sẽ thu được những lợi ích tuyệt vời từ loại củ này. Tỏi được coi là một trong những thực phẩm phòng ngừa bệnh tật tốt nhất dựa trên các tác dụng đa dạng và nổi bật của nó. 

 
Trang Hương (Theo Healthnews)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng