Đặt mục tiêu ăn 30 loại thực vật mỗi tuần: Chất xơ là thức ăn cho hệ vi sinh vật đường ruột. Để cân bằng hệ vi sinh, bạn nên cố gắng ăn càng đa dạng rau củ quả càng tốt. Ngoài ra, nhiều nguyên liệu có nguồn gốc thực vật như rau thơm, gia vị, các loại hạt, nấm… cũng nên được bổ sung vào chế độ ăn uống của bạn.
Nấu ăn với nhiều gia vị: Đây cũng là thói quen nhỏ có thể đem lại lợi ích sức khỏe to lớn. Gia vị quen thuộc như nghệ, gừng, hay cao cấp hơn như hoa nghệ tây saffron không chỉ có công dụng tăng hương sắc cho món ăn. Hầu hết các gia vị này đều có hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, cùng đặc tính chống viêm mạnh mẽ.
Dùng dầu olive: Chuyên gia Tim Spector khuyên bạn nên dùng dầu olive để nấu nướng cũng như chế biến các món salad. Trong đó, dầu olive nguyên chất có hàm lượng chất chống oxy hóa polyphenol cao gấp 600 lần các loại dầu thực vật khác.
Phơi nấm ngoài nắng trước khi chế biến: Thay đổi nhỏ này có thể giúp làm tăng hàm lượng vitamin D2 trong chế độ ăn uống của bạn. Trong nấm tươi giàu các tiền chất của vitamin D, nhưng phải tiếp xúc với ánh nắng mới có thể chuyển hóa thành vitamin D2 để cơ thể hấp thu. Bạn nên bỏ nấm khỏi túi và phơi dưới trời nắng khoảng nửa tiếng trước khi nấu.
Dùng tương miso: Để nước canh có vị ngọt đậm đà tự nhiên (vị umami), bạn hãy thử thay các loại viên soup, gia vị chế biến sẵn bằng tương miso. Đây là sản phẩm của quá trình lên men đậu nành, có chứa probiotics cần thiết cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Lưu ý, chỉ nên cho tương miso vào cuối quá trình nấu, tránh đun sôi làm hao phí các lợi khuẩn.
Thái hành, tỏi ít nhất 10 phút trước khi nấu: Cách chế biến đơn giản này có thể giúp tối đa hóa lợi ích dinh dưỡng của hành, tỏi. Trong các gia vị này có chứa các hoạt chất giàu lưu huỳnh. Chúng được phân giải khi đập dập, nghiền nát hoặc nhai. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị hành tỏi từ trước, chờ ít nhất 10 phút trước khi chế biến.