- Chuyên đề:
- Bà bầu và trẻ sơ sinh
Dinh dưỡng đầy đủ giúp thai nhi tăng trưởng và phát triển khoẻ mạnh
Những lợi ích của mướp đắng với bà bầu
Chuyên gia mách cách phòng thủy đậu ở phụ nữ mang thai
Vì sao không nên dùng retinol khi mang thai?
Uống rượu khi đang mang thai, khuôn mặt thai nhi có thể bị thay đổi
Các nhà khoa học tại Đại học Birmingham (Anh) đã tiến hành phân tích 20 nghiên cứu về thói quen ăn uống của phụ nữ trong những tháng trước khi mang thai và giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Họ phát hiện ra rằng, một chế độ ăn giàu rau củ quả, hải sản, chế phẩm từ sữa, trứng và ngũ cốc có thể giúp giảm nguy cơ sảy thai. Nghiên cứu mới đây đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Fertility and Sterility.
Theo đó, ăn nhiều trái cây giúp giảm 61% nguy cơ sảy thai. Chế độ ăn nhiều rau củ giúp giảm 41% biến cố này, tiếp đó là chế phẩm từ sữa (37%) và ngũ cốc (33%). Trái lại, chế độ với nhiều thực phẩm chế biến sẵn làm nguy cơ sảy thai tăng gấp đôi.
Tuy không chỉ ra một chế độ ăn cụ thể nào, nghiên cứu cho rằng, tăng cường ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, cắt giảm thực phẩm dễ gây viêm có thể giúp bà bầu vượt qua thai kỳ khỏe mạnh.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu – TS Yealin Chung nhận định: "Sảy thai là biến cố khá phổ biến, cứ 6 trường hợp mang thai thì có 1 ca sảy. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sảy thai, từ những vấn đề di truyền tới nhiễm trùng trong tử cung. Tuy nhiên, có gần một nửa số trường hợp mất thai không thể lý giải."
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, việc thay đổi lối sống, từ chế độ dinh dưỡng, cai thuốc lá và rượu bia, trước khi thụ thai và trong giai đoạn đầu của thai kỳ, có thể đem lại lợi ích to lớn với sản phụ.
TS Chung khuyến cáo: "Các cặp đôi nên cân nhắc điều chỉnh lối sống tích cực trước khi lên kế hoạch lập gia đình, cũng như duy trì thói quen lành mạnh này trong suốt thời kỳ mang thai và sau này."
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai của người mẹ có vai trò then chốt để sinh ra những trẻ sơ sinh mạnh khoẻ và là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của trẻ sau này.
Một số khoáng chất cần thiết cho phụ nữ trước và trong quá trình mang thai gồm:
Sắt: Tình trạng thiếu sắt dẫn đến thiếu máu ở người mẹ ảnh hưởng đến mức tăng cân của mẹ trong thời gian mang thai cũng như cân nặng của trẻ sơ sinh.
Calci: Calci tích trữ trong thời gian mang thai đóng vai trò quan trọng trong việc tạo bộ xương thai nhi 3 tháng cuối của thai kỳ.
Kẽm: Thiếu kẽm gây nên vô sinh, sảy thai, sinh non hoặc sinh già tháng, thai chết gần ngày sinh và sinh không bình thường.
Iod: Thiếu iod ở phụ nữ thời kỳ mang thai có thể gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non.
Acid folic: Thiếu acid folic ở người mẹ có thể dẫn đến thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Vi chất này cũng có vai trò bảo vệ chống lại những khiếm khuyết của ống thần kinh trong sự thụ thai.
Vitamin A: Thiếu vitamin A sẽ dẫn đến tăng tỷ lệ mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong, gây khô mắt, có thể dẫn đến mù loà vĩnh viễn nếu không được điều trị.
Vitamin D: Nếu cơ thể thiếu vitamin D, lượng calci chỉ được hấp thu khoảng 20%, dễ gây các hậu quả như trẻ bị còi xương ngay trong bụng mẹ hay trẻ đẻ ra bình thường nhưng thóp sẽ lâu liền.
Vitamin nhóm B: Cần thiết cho quá trình chuyển hóa, tạo máu của cơ thể.
Vitamin C: Có vai trò lớn trong việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn, góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt.
Bình luận của bạn