6 loại trà sức khỏe: Quảng cáo và sự thật khác nhau thế nào?

Hãy cân nhắc về lợi ích với bất cứ loại trà sức khỏe nào

Thực hư 5 loại trà thảo mộc giúp giảm cân hiệu quả

Uống trà hoa cúc: Thanh nhiệt, dịu tâm trí, yên giấc ngủ

Video: Muốn ngủ ngon thì ăn gì, uống gì?

Trị say tàu xe chỉ nhờ trà thảo mộc

Dưới đây là lời khuyên về 6 loại trà sức khỏe của Tiến sỹ Chris Etheridge thuộc Ban tư vấn trà và chuyên gia dinh dưỡng Charlotte Stirling-Reed, theo Netdoctor.

1. Trà thải độc

Các loại trà thải độc trên thị trường thường chứa các thành phần như rễ cam thảo, cỏ chanh, cây ngưu bàng và thì là.

Được quảng cáo là: Làm sạch gan và thận – những cơ quan chịu trách nhiệm cho việc lọc bỏ các chất độc.

Sự thật: Chuyên gia dinh dưỡng Charlotte cho rằng cơ thể con người rất giỏi trong việc loại bỏ các độc tố và các tạp chất không tốt. Bạn không cần phải giải độc cơ thể, nhưng bạn có thể khiến gan và thận hoạt động kém hiệu quả nếu ăn các loại thực phẩm không lành mạnh như bánh ngọt, bánh quy, kẹo, uống rượu và đồ uống có đường.

2. Trà bạc hà

Trà bạc hà được làm từ lá bạc hà.

Được quảng cáo là: Trà bạc hà thường được biết đến là loại trà tốt cho người bị đau dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa, giảm đau, thư giãn, chữa hôi miệng và tăng cường chức năng miễn dịch.

Sự thật: Các nghiên cứu cho thấy tinh dầu bạc hà có lợi đối với hội chứng ruột kích thích và có bằng chứng cho thấy có tác dụng giảm đau và hỗ trợ chức năng miễn dịch. Bởi vậy, tinh dầu bạc hà sẽ có hiệu quả hơn trong việc làm dịu cơn đau bụng và hội chứng ruột kích thích, nhưng trà bạc hà cũng có lợi cho tiêu hóa, tiến sỹ Chris Etheridge nói. Hơn nữa, trà bạc hà cũng rất giàu carotene và vitamin C – các chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe.

3. Trà giảm cân

Những loại trà giảm béo thường chứa guarana, cam chua (hay cam đắng), chiết xuất trà xanh, nhưng tùy thuộc vào từng sản phẩm. Thậm chí có loại còn chứa những thành phần nguy hiểm khác. Mua trà giảm cân qua mạng internet có thể chứa thuốc lợi tiểu và thuốc nhuận tràng – những loại thuốc này có thể gây ra những căn bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong.

Được quảng cáo là: Polyphenols và caffeine trong các loại trà được khẳng định là tăng cường đốt cháy chất béo và ngăn chặn sự thèm ăn, cả hai điều này đều giúp giảm cân.

Sự thật: Có bằng chứng từ nhiều nghiên cứu cho thấy trà xanh làm tăng cường đốt cháy chất béo nhưng hiệu quả thấp và không đủ để thúc đẩy giảm cân.

Chuyên gia dinh dưỡng Charlotte cho rằng, nếu muốn giảm cân, bạn có thể uống trà xanh hoặc trà đen không đường. Uống các loại trà giảm béo không được chứng nhận có thể gây tổn hại cho sức khỏe của bạn.

4. Trà hoa cúc

Được làm từ hoa cúc khô, có mùi vị giống như cỏ khô mới cắt.

Được quảng cáo là: Trà hoa cúc được biết đến như một loại trà giúp ngủ ngon do chứa polyphenol gọi là apigenin. Trà hoa cúc cũng được sử dụng khi đau bụng, đau nửa đầu, bệnh đái tháo đường và bệnh chàm. Nó còn được cho là có đặc tính chống vi khuẩn.

Sự thật: Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa năm 2015 cho thấy, những người bị bệnh đái tháo đường uống trà hoa cúc 3 lần một ngày sau bữa ăn đã cải thiện việc kiểm soát đường huyết và giảm mức cholesterol. “Mặc dù thiếu nghiên cứu liên quan đến chất lượng giấc ngủ nhưng có một số nghiên cứu trên động vật cho thấy, hoa cúc giúp thư giãn tâm trí”, tiến sỹ Chris cho biết.

Vẫn cần thêm bằng chứng để chứng minh trà hoa cúc giúp hỗ trợ giấc ngủ, nhưng nếu bạn nhạy cảm với caffeine, thì trà hoa cúc là thức uống tốt hơn so với cà phê hoặc trà.

5. Trà rooibos (Hồng trà Nam Phi)

Được làm từ lá của cây bụi đỏ (Fabaceae) thường được trồng ở những ngọn đồi của Nam Phi. Hương vị thường được mô tả như mật ong, gỗ.

Được quảng cáo là: Giảm đau bụng ở trẻ sơ sinh, dị ứng, hen suyễn và các vấn đề về da. Trà rooibos cũng được khẳng định là chứa chất chống oxy hóa, chống ung thư và thúc đẩy hệ miễn dịch.

Sự thật: Một thử nghiệm lâm sàng năm 2011 kết luận rằng, uống 6 tách trà rooibos hàng ngày có thể làm giảm nồng độ cholesterol "xấu" LDL và tăng cường bảo vệ cơ thể chống lại quá trình oxy hóa. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã xác nhận loại trà này có thể chống ung thư và thúc đẩy hệ miễn dịch, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu trên con người.

“Cũng giống như trà đen, trà rooibos tốt cho tim mạch do hàm lượng polyphenol phong phú, nhưng cần phải nghiên cứu thêm”, Charlotte nói. "Rooibos là loại trà không caffeine, thay thế tốt cho các loại trà thông thường khác".

6. Trà gừng

Được làm từ rễ của cây gừng, thường uống nóng.

Được quảng cáo là: Giúp điều trị buồn nôn, say tàu xe hay ốm nghén. Nó cũng được cho là giúp kích thích sự thèm ăn và các vấn đề tiêu hóa.

Sự thật: Có khá nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu cho thấy gừng giúp giảm buồn nôn và nôn, giảm đau, đặc biệt là đau bụng kinh. Tiến sỹ Chris khẳng định, gừng là phương thuốc tự nhiên cho chứng buồn nôn, an toàn cho phụ nữ mang thai bị ốm nghén.

Trên đây là các loại trà sức khỏe được đánh giá là an toàn, lành mạnh thay thế tốt cho các loại đồ uống có đường. Riêng với trà giảm béo, bạn nên cân nhắc nếu muốn mua qua internet, bởi nó có thể chứa các thành phần nguy hiểm cho sức khỏe.
An An H+ (Theo Netdoctor)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng