Đi bộ giúp cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần
Chủ quan với cúm mùa, coi chừng mất mạng!
Infographic: Cách đơn giản giúp phân biệt cảm lạnh và cúm mùa
Làm thế nào để phòng tránh cúm mùa cho trẻ?
Dinh dưỡng cho trẻ để phòng ngừa bệnh cúm mùa
Cúm mùa ở nước ta thường bắt đầu từ tháng 10 hàng năm. Trong thời gian này, việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh cúm. Ngoài chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh, bạn cũng cần vận động thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đi bộ là hình thức vận động nhẹ nhàng, tiết kiệm và có nhiều tác dụng với sức khỏe của bạn.
Cải thiện tâm trạng
Vào những ngày trời âm u kéo dài, những người không tiếp xúc nhiều với ánh nắng có thể bị rối loạn cảm xúc, dẫn đến chứng trầm cảm theo mùa (SAD). Nếu bạn thấy hiện tượng chán nản, tâm trạng đi xuống, hãy đi bộ thường xuyên hơn.
Một nghiên cứu trên Tạp chí JAMA Psychiatry chỉ ra rằng, đi bộ 1 tiếng mỗi ngày giúp giảm nguy cơ trầm cảm. Việc vận động có chủ đích như đi bộ, giãn cơ hay kể cả leo cầu thang cũng góp phần cải thiện cảm xúc và tâm trạng của bạn.
Hỗ trợ giảm cân
Nếu muốn giảm cân, bạn cần đi bộ 15000 bước đều đặn hàng ngày. Bài tập đi bộ tốc độ nhanh kết hợp đánh tay sẽ tác động đến cơ chân, đùi và một số cơ bắp ở thân trên, giúp bạn đốt cháy calorie hiệu quả hơn. Ngoài ra, bạn có thể xen kẽ đi bộ nhanh và chậm để tăng nhịp tim và thúc đẩy quá trình trao đổi chất đốt cháy mỡ thừa trong cơ thể.
Tốt cho tim mạch
Nghiên cứu trên Tạp chí American College of Cardiology chỉ ra rằng, đi bộ 2-3 lần/tuần trong ít nhất 40 phút giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ở phụ nữ sau mãn kinh. Bạn có thể đi bộ ở tốc độ vừa và nhanh để cải thiện sức khỏe của trái tim. Những người ở vùng trung du, đồi núi có thể đi bộ trên đa dạng địa hình để đạt hiệu quả như bài tập cardio (bài tập giúp kiểm soát nhịp tim, tăng hô hấp và lưu thông máu).
Giảm nguy cơ tiến triển đái tháo đường ở người tiền đái tháo đường
Người bệnh ở giai đoạn tiền đái tháo đường cần có chế độ dinh dưỡng và luyện tập khoa học theo chỉ dẫn của bác sỹ để ngăn chặn tiến triển đái tháo đường. Đi bộ nhanh là hình thức tập thể dục phù hợp với đối tượng này.
Trong một nghiên cứu của Đại học Duke (Mỹ), những người tham gia đều được chẩn đoán tiền đái tháo đường và thực hiện đi bộ thể dục với quãng đường 22km/tuần. Sau 6 tháng, kết quả xét nghiệm dung nạp glucose của họ đã cải thiện rõ rệt.
Cải thiện hệ miễn dịch
Đi bộ kết hợp động tác tay giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Sports Medicine (Anh), đi bộ có khả năng hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn. Những người đi bộ tối thiểu 5 ngày/tuần trong vòng 20 phút ít bị ốm hơn những người ít khi tập thể dục. Trong trường hợp bị ốm, họ có những triệu chứng bệnh nhẹ và nhanh khỏi hơn.
Ngủ ngon hơn
Nếu bạn bị mất ngủ thường xuyên, hãy thử tập thể dục bằng cách đi bộ vào buổi sáng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, người trưởng thành đi bộ càng nhiều vào ban ngày thì ngủ càng ngon vào ban đêm. Vận động thể chất giúp cơ thể tiết ra hormone serotonin, giảm những hormone căng thẳng và giúp tinh thần thoải mái. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ cũng giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn.
Bình luận của bạn