- Chuyên đề:
- Kinh nghiệm nuôi con
Nghiên cứu cho thấy dỗ trẻ bằng thiết bị công nghệ không phải là ý hay
Podcast: Cảnh giác biến chứng trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ
Mẹo giảm táo bón an toàn cho trẻ nhỏ
Dấu hiệu cảnh báo viêm VA ở trẻ nhỏ và cách đối phó
6 cách kiểm soát chứng nghiện ăn vặt ở trẻ nhỏ
Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Sherbrooke (Canada) do GS. Caroline Fitzpatrick - giảng viên về bộ môn Sư phạm - đứng đầu. Theo đó, độ tuổi trước khi trẻ đi học (từ khoảng 1-5 tuổi) là giai đoạn nhạy cảm với sự phát triển kỹ năng kiểm soát cảm xúc của trẻ.
Trẻ sơ sinh thường quấy khóc khi không được đáp ứng nhu cầu hoặc chiều theo ý muốn. Nhưng khi lớn dần, bước sang giai đoạn chập chững biết đi, trẻ dần có khả năng kiểm soát các cảm xúc như tức giận. Tuy nhiên, kỹ năng này không tự nhiên mà đến.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, trẻ ở độ tuổi 1-5 học cách điều chỉnh cảm xúc bằng 2 con đường. Thứ nhất, cha mẹ trực tiếp huấn luyện trẻ kiểm soát các đợt bùng nổ cảm xúc. Cách thứ hai là trẻ theo dõi cha mẹ và học cách người lớn ứng phó với cảm xúc của chính mình.
GS. Fitzpatrick và cộng sự nhận định, trẻ nhỏ ngày nay tương tác nhiều với các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại, máy tính bảng hơn là cha mẹ mình. Khảo sát tại Mỹ cho thấy, đa số trẻ 4 tuổi đã sở hữu riêng một thiết bị di động. Năm 2020, thời gian trẻ nhỏ dành cho các thiết bị công nghệ chỉ là 5 phút, nhưng đến năm 2022 đã là 55 phút/ngày.
Trong thí nghiệm mới nhất, các nhà khoa học đã khảo sát 315 phụ huynh đang nuôi con ở tuổi trung bình 3,5 tuổi. Sau 2 năm theo dõi, kết quả cho thấy, thời gian trẻ xem các thiết bị điện tử cứ tăng lên 1 giờ thì mức độ tức giận của trẻ ở một năm sau tăng lên đáng kể.
Khi trẻ quấy khóc, cha mẹ lại phải tìm tới “bảo mẫu công nghệ” như máy tính bảng để dỗ trẻ. Điều này tạo nên vòng tuần hoàn ác tính cản trở khả năng tự kiểm soát cảm xúc tiêu cực của trẻ.
Nhóm nghiên cứu kết luận: “Việc trẻ sử dụng máy tính bảng sớm trong thời thơ ấu có thể góp phần vào một vòng luẩn quẩn có hại cho khả năng điều chỉnh cảm xúc.” Nghiên cứu trước đó của nhóm cũng cho thấy, tần suất trẻ bộc phát cảm xúc tăng tỷ lệ thuận với thời gian nhìn vào thiết bị kỹ thuật số.
Đồng tình với quan điểm trên, BS. Scott Krakower – chuyên gia tâm thần nhi tại Bệnh viện Northwell Zucker Hillside (Mỹ) cũng thường ghi nhận trạng thái kích động ở trẻ sau thời gian dài dùng thiết bị điện tử. “Tất cả mọi thứ đều cần sử dụng điều độ. Nếu phụ huynh định cho con dùng máy tính bảng cần đặt giới hạn thời gian hợp lý. Ví dụ, sau khoảng 15-20 phút dùng iPad, con cần giải lao và rời thiết bị”, BS. Krakower gợi ý.
Nhóm các chuyên gia Canada cũng nhấn mạnh, nghiên cứu của họ không theo dõi thời gian mà cha mẹ tương tác cùng con khi trẻ sử dụng máy tính bảng. Do đó, tương tác này có thể là cơ hội giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc. Đây là phương pháp cần ưu tiên khi giúp con phát triển toàn diện về tinh thần. GS. Fitzpatrick và cộng sự khẳng định, khả năng kiềm chế cơn giận và những cảm xúc bộc phát đóng vai trò quan trọng với việc học tập cũng như sức khỏe của trẻ trong tương lai.
Bình luận của bạn