Mỹ: Thuốc mới tiêm 1 mũi giúp kiểm soát huyết áp trong 6 tháng

Tin vui cho nhiều người đang phải uống từng viên thuốc huyết áp hằng ngày nhưng lại dễ quên - Ảnh: Eehealth.

Người bệnh đang uống thuốc huyết áp có được uống bia hay không?

Chuyên gia tim mạch giải đáp: Uống thuốc huyết áp bị ho phải làm sao?

Uống thuốc huyết áp vào buổi tối tốt hơn buổi sáng?

Thuốc huyết áp và statin không gây tình trạng bất lực ở nam giới

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí y khoa New England Journal of Medicine, các nhà khoa học đã chứng minh một loại thuốc mới có thể giúp giảm tình trạng huyết áp cao và duy trì mức ổn định trong chu kỳ 24h trong tận 6 tháng, chỉ với 1 mũi tiêm duy nhất mà không cần uống thuốc.

Theo Healthline, loại thuốc mới, có tên Zilebesiran, do công ty Alnylam có trụ sở tại Mỹ phát minh, được dùng dưới dạng tiêm. Thuốc có tác dụng vô hiệu hóa gene chịu trách nhiệm sản xuất hormone angiotensin - loại hormone làm hẹp mạch máu, từ đó làm giảm tình trạng huyết áp cao trong 24 tuần. Đây quả thật là tin vui cho nhiều người đang phải uống từng viên thuốc hằng ngày nhưng lại dễ quên.

Những phát hiện này cũng đã được trình bày tại Phiên họp khoa học năm 2023 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, được tổ chức từ ngày 11 - 13/11/2023, tại Philadelphia, PA, Mỹ.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm sự an toàn và hiệu quả của Zilebesiran ở 394 người bị tăng huyết áp từ nhẹ đến trung bình, được xác định là có huyết áp tâm thu trong khoảng 135-160 mm Hg. Sau đó, họ được chỉ định ngẫu nhiên để nhận 1 liều Zilebesiran tiêm dưới da cụ thể - 150, 300 hoặc 600 mg 6 tháng/lần hoặc 300 mg 3 tháng/lần - hoặc giả dược.

Trong 6 tháng, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng việc tiêm thuốc làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu - trung bình ít nhất là 10mmHg và trong một số trường hợp là 20mmHg trở lên.

Đáng chú ý, huyết áp thường lên xuống trong ngày nên rất khó điều trị. Nhưng phương pháp mới này giúp giảm đáng kể huyết áp, cả ngày lẫn đêm, kéo dài khoảng 6 tháng sau một lần tiêm, Giáo sư David Webb, Trưởng khoa trị liệu và dược lý lâm sàng tại Đại học Edinburgh (Anh), tác giả nghiên cứu, cho biết.

Tiến sĩ Vivek Bhalla, phó giáo sư y khoa và là giám đốc Trung tâm Tăng huyết áp tại Stanford Medicine, cho biết: “Trong nghiên cứu này, các nhà điều tra đã chứng minh rằng một mũi tiêm cứ sau 3-6 tháng có thể làm giảm huyết áp một cách bền vững từ 20 mmHg trở lên".

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng đây chỉ là nghiên cứu ở giai đoạn đầu và giai đoạn tiếp theo sẽ tìm hiểu kỹ hơn về tính an toàn và hiệu quả của thuốc trước khi thuốc có thể được cấp phép sử dụng, theo Express.

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính gây các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận, xuất huyết võng mạc… và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong sớm trên toàn cầu. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng do đó nhiều người không được phát hiện và chẩn đoán kịp thời.

Các loại thuốc huyết áp hiện tại cần phải được uống ít nhất mỗi ngày một lần và nhiều người phải "vật lộn" với việc nhớ uống thuốc đúng lịch. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về huyết áp không ổn định và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đau tim hoặc đột quỵ.

 
Hiệp Nguyễn (Healthline/Express)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch