Tư thế tốt cho cổ và lưng khi sử dụng điện thoại, máy tính

Sử dụng các thiết bị điện tử sai tư thế có thể dẫn tới đau mỏi cổ

Ngủ ngon hơn nhờ 5 tư thế yoga thư giãn

Tư thế ngủ tốt nhất cho người đau lưng dưới

"Thủ phạm" gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Đau cột sống lưng ở người trẻ tuổi: Nguyên nhân và cách cải thiện

Dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại, máy tính không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, mà còn gây ra tác động tới thể chất của bạn. Đau lưng, cứng cổ vai gáy là hậu quả của thói quen ngồi sai tư thế khi nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử. Không ít người có thói quen ngồi gù lưng, cằm và vai hướng ra phía trước, cổ gập xuống trong một khoảng thời gian dài.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học King’s College London (Vương quốc Anh), khi bạn ngồi thẳng lưng, phần đầu tạo ra áp lực khoảng 5kg lên cột sống. Khi “cắm mặt” vào điện thoại ở góc nghiêng 45 độ, áp lực lên tới 22kg, thậm chí 27kg nếu cúi sâu 60 độ.

Để bảo vệ cột sống khi dùng các thiết bị công nghệ, bạn nên điều chỉnh tư thế lành mạnh theo các gợi ý sau:

Hạn chế nằm lướt điện thoại trên giường

Thói quen nằm ôm điện thoại không tốt cho cột sống cổ

Thói quen nằm ôm điện thoại không tốt cho cột sống cổ

Sau khi chuông báo thức reo, nhiều người có thói quen nằm thêm vài phút để kiểm tra điện thoại. Theo Maxine Valensky – chuyên gia vật lý trị liệu của tòa soạn Telegraph (Anh), nằm nghiêng "ôm" điện thoại là tư thế cực kỳ có hại cho cột sống. Góc nghiêng của đầu tạo ra áp lực lớn với cột sống, về lâu dài gây ra đau nhức.

Cách tốt nhất là bạn nên ngồi dậy tỉnh táo rồi mới sử dụng điện thoại. Nếu vẫn muốn dùng điện thoại trên giường, bạn nên ngồi thẳng, lưng có điểm tựa, chống hai khuỷu tay lên chân sao cho thoải mái. Giữ cổ ở trạng thái thả lỏng tự nhiên, cằm hơi hướng xuống dưới.

Hạn chế dùng điện thoại khi di chuyển

Cúi mặt vào điện thoại ở góc 60 độ khiến cho cổ phải chịu sức ép tương đương với vật nặng 27kg

Cúi mặt vào điện thoại ở góc 60 độ khiến cho cổ phải chịu sức ép tương đương với vật nặng 27kg

Nhiều người tranh thủ thời gian đứng chờ xe hoặc di chuyển trên phương tiện công cộng để kiểm tra email, lướt mạng xã hội. Tuy nhiên, theo chuyên gia Valensky, tư thế cúi xuống điện thoại khi đứng tạo ra áp lực cho đĩa đệm C7 (vị trí cột sống cổ tiếp giao với đốt sống ngực). Đây là lý do nhiều người nhận thấy đốt sống này gồ lên ở phía sau cổ, dễ gây thoát vị đĩa đệm.

Cách tốt nhất là hạn chế xem điện thoại khi bạn đang đứng ở nơi chật hẹp. Khi nào có chỗ ngồi thoải mái, bạn có thể ngồi thẳng lưng và sử dụng điện thoại.

Ngồi làm việc đúng tư thế

Điều chỉnh tư thế ngồi và sắp xếp khu vực làm việc hợp lý

Điều chỉnh tư thế ngồi và sắp xếp khu vực làm việc hợp lý

Thay vì ngồi chúi người về phía màn hình máy tính, bạn nên tựa lưng thoải mái vào lưng ghế, hai chân tiếp xúc với mặt phẳng, để cột sống trở về trạng thái cong tự nhiên. Nếu không được ghế nâng đỡ đúng cách, hệ thống cơ bắp ở mặt trước của cơ thể sẽ bị co rút, vai cong về phía trước.

Độ cao lý tưởng khi ngồi trước máy tính là tầm mắt cao ngang 1/3 trên cùng của màn hình, khuỷu tay vuông góc 90 độ và vừa tầm bàn phím (bạn không phải nâng cao tay để gõ bàn phím). Ngay cả khi làm việc trên bàn trà hoặc bàn ăn tại nhà, bạn nên kê cao laptop để đạt được độ cao phù hợp với tầm mắt.

Cứ 40 phút hãy đứng dậy một lần

Ngay cả khi bạn giữ tư thế chuẩn khi ngồi làm việc, giữ nguyên tư thế cả ngày dài vẫn có hại cho cơ bắp. Cơn đau có thể lan từ cổ xuống xương cụt và xương hông. Ngồi gù lưng, co người trong thời gian dài khiến các cơ bắp ở đùi sau bị co ngắn, các cơ mông tê liệt, gây ra hội chứng “mông chết” thường gặp ở dân văn phòng.

Để khắc phục tình trạng này, cứ 40 phút bạn nên đứng dậy giải lao hoặc đổi tư thế một lần. Bạn có thể giãn cơ tại chỗ bằng cách đẩy khuỷu tay ra sau lưng, hoặc cúi gập lưng ngay trên ghế để giãn cột sống.

 

Đa số chúng ta có thói quen lướt điện thoại di động chỉ bằng ngón cái. Hành động này làm tăng nguy cơ viêm khớp ngón tay cái. Chuyên gia Valensky khuyên bạn nên dùng tất cả các ngón tay khi gõ bàn phím, hoặc ít nhất là đổi tay thường xuyên. Bạn cũng không nên nghiêng đầu, kẹp điện thoại vào cằm khi gọi điện, cách tốt hơn là dùng tai nghe nếu không thể giữ điện thoại bằng tay.

 
Quỳnh Trang (Theo Telegraph)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp