Ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính

Người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính.

Giải pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả không kém melatonin

Ngủ không đủ giấc: "Thủ phạm" gây lão hóa và suy giảm miễn dịch

Ngủ ít hơn 7 giờ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Ngủ ít có làm tăng nguy cơ mắc bệnh?

Theo đó, nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí PLOS Medicine, đã xem xét kỹ hồ sơ sức khỏe của gần 8.000 công chức ở Vương quốc Anh, với độ tuổi trung bình là 50 và tất cả đều không có bệnh mạn tính. Nhóm nghiên cứu yêu cầu tình nguyện viên báo cáo về thời lượng giấc ngủ của mình trong vòng 25 năm và kiểm tra sức khỏe định kỳ 4-5 năm/lần.

Kết quả cho thấy những người ngủ từ 5 tiếng trở xuống mỗi đêm có nguy cơ mắc 2 hoặc nhiều bệnh mạn tính theo thời gian cao hơn 30% so với người ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Ở tuổi 60, nguy cơ tăng 32% và ở tuổi 70, nguy cơ cao hơn 40%, theo CNN.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, các bệnh có nguy cơ cao khi thiếu ngủ bao gồm: Đái tháo đường, ung thư, bệnh mạch vành, đột quỵ, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh thận mạn tính, bệnh gan, trầm cảm, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, Parkinson và viêm khớp.

"Tình trạng đa bệnh lý mạn tính đang gia tăng ở các nước có thu nhập cao và hơn một nửa số đó là người lớn tuổi ngủ ít có nguy cơ mắc ít nhất 2 bệnh mạn tính. Đây là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng" - ông Severine Sabia, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu cũng cho thấy, người trung niên ở độ tuổi 50 ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm cũng làm tăng 25% nguy cơ tử vong trong thời gian theo dõi. Phát hiện này khá rõ ràng vì thời gian ngủ ngắn đã được chứng minh trong những năm qua có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạn tính, yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong.

Trưởng nhóm nghiên cứu Severine Sabia khuyến cáo mọi người nên ngủ từ 7 - 8 giờ vào mỗi đêm để tránh những rủi ro về bệnh tật. "Phát hiện của chúng tôi cho thấy thời lượng ngủ ngắn cũng liên quan đến tình trạng đa bệnh lý mạn tính. Để đảm bảo một giấc ngủ ngon hơn, điều quan trọng là phải nâng cao môi trường giấc ngủ tốt, chẳng hạn như đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh, tối và ở nhiệt độ thoải mái trước khi ngủ" - bà Severine Sabia chia sẻ.

Nghiên cứu khác của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng chỉ ra rằng, người trưởng thành không ngủ đủ khoảng 7 - 9 giờ mỗi đêm có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như béo phì và tăng huyết áp, theo Livemint.

Người mắc bệnh mạn tính có thời gian ngủ dài làm tăng nguy cơ mắc thêm bệnh

Để tăng cường thời gian và chất lượng giấc ngủ, không nên sử dụng điện thoại trước khi ngủ

Để tăng cường thời gian và chất lượng giấc ngủ, không nên sử dụng điện thoại trước khi ngủ

Ngoài thời gian ngủ ngắn, các nhà nghiên cứu cũng cố gắng tìm hiểu mối liên hệ giữa thời gian ngủ dài và kết quả sức khỏe.

Chưa có nghiên cứu nào đánh giá mối liên quan giữa thời gian ngủ dài ở độ tuổi 50 và nguy cơ mắc bệnh ở người khỏe mạnh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, thời gian ngủ dài đối với những người đã mắc bệnh mạn tính làm tăng khoảng 35% nguy cơ phát triển một căn bệnh khác.

Dù vậy, các chuyên gia nhận định các nghiên cứu trên vẫn còn có một số hạn chế. Hầu hết tình nguyện viên là đàn ông da trắng, chỉ khoảng một phần ba là phụ nữ. Nghiên cứu dựa trên các dữ liệu tự báo cáo, kém chính xác hơn so với việc các nhà khoa học trực tiếp theo dõi giấc ngủ của người tham gia thông qua máy móc.

Sharon Cobb, một chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ tại Đại học Y khoa và Khoa học Charles R. Drew ở Los Angeles (Mỹ) cho biết, những nghiên cứu này đã cung cấp thêm những bằng chứng cho thấy giấc ngủ và các tình trạng bệnh mạn tính có liên quan đến nhau. "Ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy, tầm quan trọng của giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần. Nó cũng ảnh hưởng đến nhiều bệnh đi kèm hơn" - Sharon Cobb chia sẻ.

 
Hiệp Nguyễn (Theo CNN/Livemint)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn