Giải mã những yếu tố dẫn tới hói đầu ở nam giới

Hói đầu ở nam giới đến từ rất nhiều nguyên nhân

Nên dùng thuốc nào để trị hói đầu?

Thiếu sắt có dẫn đến rụng tóc, hói đầu?

Tại sao đàn ông lại bị hói đầu?

5 loại trái cây ngăn ngừa rụng tóc, giúp bạn tránh nguy cơ hói đầu

Nhắc tới chứng hói đầu, nhiều người cho rằng nguyên nhân là do gene “gây hói” thuộc nhiễm sắc thể X mà nam giới đều thừa kế từ người mẹ. Đúng là yếu tố di truyền đóng vai trò chính với chứng hói đầu ở nam giới, nhưng có rất nhiều tác nhân khác góp phần thúc đẩy rụng tóc, hói đầu ở đấng mày râu:

Rụng tóc nội tiết tố androgen

Rụng tóc nội tiết tố androgen là tình trạng khá phổ biến ở nam giới, ảnh hưởng tới khoảng 50% nam giới sau tuổi 35. Vùng trán, đỉnh, thái dương là các vị trí rụng tóc hay gặp. Tại các vùng này, sợi tóc trở nên mảnh, giảm đường kính sợi tóc, đồng thời giảm mật độ tóc theo thời gian.

Rụng tóc androgen xuất hiện trước hết ở vùng trán, đỉnh, thái dương

Rụng tóc androgen xuất hiện trước hết ở vùng trán, đỉnh, thái dương

Cơ chế gây rụng tóc do nội tiết tố là bởi các nang tóc rất nhạy cảm với dihydrotestosterone (DHT) – một dạng hormone androgen ở nam giới. DHT liên kết với các thụ thể đặc biệt của tế bào nang tóc, khiến nang tóc nhỏ dần và biến mất, sợi tóc dễ rụng. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến tóc rụng nhiều, vùng hói ngày càng lan rộng và khó mọc trở lại.

Nếu chứng rụng tóc được phát hiện sớm, các quý ông có thể tìm tới các biện pháp can thiệp như cân bằng nội tiết và sử dụng thuốc để ngăn tóc rụng. Finasteride và minoxidil là 2 hoạt chất thường được chỉ định trong điều trị rụng tóc gây hói ở nam giới. Bạn nên tới các bệnh viện chuyên về da liễu để được thăm khám, tư vấn.

Rụng tóc theo chu kỳ telogen

Ở nam giới, rụng tóc số lượng lớn có thể do stress gây ra

Ở nam giới, rụng tóc số lượng lớn có thể do stress gây ra

Rụng tóc giai đoạn ở giai đoạn ngừng phát triển của tóc (telogen effluvium) là một dạng rụng tóc phổ biến. Tuy bệnh thường gặp ở nữ hơn nam giới, đấng mày râu vẫn có nguy cơ rụng tóc sau chấn thương, sang chấn tâm lý, stress…

Một chu kỳ tóc bình thường, mỗi nang tóc trên da đầu trải qua chu kỳ độc lập với ba giai đoạn chính: Anagen (tăng trưởng), Catagen (biến đổi); Telogen (nghỉ ngơi). Giai đoạn telogen kéo dài 3 tháng, kết thúc bằng việc tóc rụng khỏi nang lông.

Nếu không có bệnh lý da đầu hoặc tóc, thường có 50 - 100 sợi tóc bị rụng mỗi ngày. Nếu nam giới phát hiện tóc rụng với số lượng lớn bất thường, bạn có thể nghi ngờ một số yếu tố khởi phát chứng rụng tóc trong vòng 2-3 tháng qua: Sốt cao, chấn thương, ăn kiêng, cường giáp, suy dinh dưỡng, dị ứng thuốc nhuộm… Thời gian để tóc mọc lại là khoảng từ 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên, tóc rụng nghiêm trọng và kết hợp với rụng tóc do androgen có thể khiến tóc mỏng, thưa dần và hói đầu sớm.

Một số yếu tố từ lối sống

Thiếu hụt một số chất dinh dưỡng khiến nang tóc suy yếu, tóc rụng nhiều

Thiếu hụt một số chất dinh dưỡng khiến nang tóc suy yếu, tóc rụng nhiều

Ngoài 2 chứng rụng tóc phổ biến trên, lối sống cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng hói đầu ở nam giới:

Thiếu hụt dinh dưỡng: Tình trạng thiếu hụt acid béo omega-3, vitamin A, B6, B12, E, kẽm và nhiều vi chất khác có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mái tóc. Khi đó, nam giới nên xây dựng chế độ dinh dưỡng giàu protein và chất béo có lợi để mái tóc chắc khỏe hơn.

Hút thuốc lá: Thói quen nghiện thuốc lá không chỉ ảnh hưởng tới tim, phổi mà còn giảm lưu thông máu và oxy tới da đầu và chân tóc. Hóa chất trong khói thuốc cũng gây ra phản ứng viêm ở các nang tóc.

Hói di truyền là vấn đề khó tránh khỏi trong quá trình lão hóa. Tình trạng này không nguy hiểm, song ảnh hưởng đáng kể đến thẩm mỹ, gây tâm lý mặc cảm ở nam giới. Bạn có thể thăm khám, xin tư vấn của các bác sỹ da liễu để thử các liệu pháp mang lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, phái mạnh cũng cần chú ý điều chỉnh thói quen sống, sinh hoạt lành mạnh, kiểm soát stress để ngăn ngừa rụng tóc sớm.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sung mãn