Thay đổi lối sống có thể cải thiện trí nhớ, phòng ngừa suy giảm nhận thức khi có tuổi
Bị mất trí nhớ có phải do rối loạn nội tiết tố?
7 thực phẩm chứa polyphenol giúp ngừa bệnh tim, mất trí nhớ và ung thư
Giải ô chữ giúp não bộ trẻ hơn 10 tuổi, ngăn ngừa mất trí nhớ
5 loại thực phẩm bạn đang ăn hàng ngày có thể làm tổn thương não
Bước 1: Duy trì chế độ ăn uống tốt cho não bộ
- Chế độ ăn Địa Trung Hải: Chế độ ăn Địa Trung Hải thuộc một trong những chế độ ăn uống lành mạnh nhất trên toàn thế giới. Chế độ ăn bao gồm: Trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, chất béo lành mạnh (ví dụ như dầu olive), các loại hạt, các loại cá và thịt nạc. Duy trì chế độ ăn Địa Trung Hải có thể giúp phòng ngừa các bệnh mạn tính và gia tăng tuổi thọ. Đặc biệt, việc sử dụng dầu olive nguyên chất - là thành phần chính trong chế độ ăn Địa Trung Hải - đã được chứng minh có tác dụng cải thiện chức năng nhận thức, mức độ tập trung và trí nhớ.
- Chế độ ăn Ketogenic: Đặc điểm của chế độ ăn Ketogenic là hạn chế tối đa thực phẩm chứa carbohydrate, bổ sung nhiều thực phẩm chứa chất béo lành mạnh. Việc giảm nguồn carbohydrate và thay thế chúng bằng chất béo sẽ kích thích cơ thể chuyển sang trạng thái ketosis. Ketosis làm tăng hiệu quả của cơ thể trong việc đốt cháy chất béo, tạo ra xeton từ chất béo trong gan giúp não được cung cấp nhiều năng lượng hơn, từ đó hoạt động hiệu quả hơn.
- Bổ sung các thực phẩm giúp cải thiện trí nhớ: Hiện có một số loại thực phẩm cụ thể giúp tăng cường trí nhớ đã được các nhà khoa học phát hiện. Bạn nên thêm chúng vào thực đơn dinh dưỡng hàng tuần của mình. Bao gồm:
+ Quả óc chó. Nghiên cứu chỉ ra rằng, thường xuyên ăn quả óc chó giúp các tình nguyện viên cải thiện điểm số bài kiểm tra chức năng nhận thức về khả năng ghi nhớ và tốc độ xử lý thông tin.
+ Quả việt quất. Quả việt quất giúp tăng cường chức năng não bộ nhờ cải thiện lưu lượng máu đến cơ quan này.
+ Các loại thực phẩm giàu lutein. Thực phẩm giàu lutein được tìm thấy trong cải xoăn, rau bina, bơ, trứng,... có thể làm chậm quá trình lão hóa não nếu ăn một cách thường xuyên.
+ Bơ. Các nhà khoa học nhận thấy điểm số trong các bài kiểm tra đánh giá về trí nhớ, tốc độ xử lý thông tin và khả năng tập trung của nhóm ăn bơ cao hơn nhóm không ăn loại quả này.
+ Cacao. Ăn thực phẩm chứa cacao, chẳng hạn như chocolate có thể làm tăng khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin.
+ Caffeine. Chất caffeine trong cà phê có thể cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ ở chuột mắc bệnh Alzheimer.
+ Quế. Loại gia vị này đã được phát hiện có tác dụng tăng cường khả năng ghi nhớ và làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Chế độ ăn Địa Trung Hải tốt cho trí nhớ của bạn
Bước 2: Tăng cường vận động cơ thể
Nghiên cứu gần đây nhất tìm hiểu về sức khoẻ não bộ chỉ ra rằng, hoạt động thể dục thể thao giúp cải thiện trí nhớ nhờ làm tăng hàm lượng oxy lên não. Bộ môn thể dục mà các tình nguyện viên tham gia là đi bộ ở cường độ trung bình với thời gian tập ít nhất 45 phút mỗi ngày.
Nghiên cứu này cũng cho thấy: Những người tập thể dục 4 giờ sau buổi học đã ghi nhớ thông tin vào 2 ngày sau tốt hơn so với những người tập thể dục ngay sau buổi học hoặc không tập thể dục. Do đó, nếu bạn muốn nhớ lâu hơn những gì vừa mới học được, bạn nên tập thể dục sau đó 4 giờ.
Bước 3: Dành thời gian ngủ trưa
Một người trưởng thành cần ngủ 7 - 9 giờ mỗi đêm để duy trì sức khoẻ thể chất và tinh thần. Đặc biệt, đi ngủ cũng là một trong những cách dễ dàng nhất để cải thiện việc ghi nhớ thông tin. Trong nghiên cứu, những người tham gia dành thời gian chợp mắt giữa các buổi học có thể nhớ được 10 - 16 từ trong bài kiểm tra trí nhớ. Mặt khác, ở những người không chợp mắt, họ chỉ nhớ được khoảng từ 7 - 8 từ.
Một nghiên cứu khác, những người dành 1 giờ ngủ trưa đã có điểm số bài kiểm tra trí nhớ tốt hơn so với những người không ngủ trưa.
Bước 4: Áp dụng phương pháp ghi nhớ
Thay vì sử dụng các thiết bị điện tử hoặc ghi lại trên giấy nhớ những điều cần nằm lòng, bạn có thể áp dụng phương pháp ghi nhớ dành cho não bộ. Có nhiều phương pháp ghi nhớ khác nhau nhưng nhìn chung, chúng thường được áp dụng bằng cách liên kết các thông tin muốn nhớ thông qua việc liên tưởng hình ảnh, sử dụng từ hoặc câu.
Ví dụ, bạn có thể sử dụng các chữ cái viết tắt để ghi nhớ bất cứ thứ gì: Bạn có thể sử dụng từ "CAKE" để nhớ rằng bạn cần phải mua pho mát (C = Cheese: Pho mát), táo (A = Apple: Táo), cải xoăn (K = Kale: Cải xoăn) và trứng (E = Egg: Trứng) khi ra chợ hoặc siêu thị.
Bạn cũng có thể chia nhỏ các thông tin để nhớ dễ dàng hơn. Chẳng hạn, để nhớ được số điện thoại di động, sẽ rất khó để nhớ được tất cả 10 - 11 chữ số riêng biệt. Tuy nhiên, nếu bạn chia nhỏ chúng thành 2 - 3 cụm chữ số và liên hệ chúng với những thứ khiến bạn cảm thấy thú vị, việc ghi nhớ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Bước 5: Quản lý căng thẳng
Căng thẳng có thể tiêu diệt các tế bào não, gây tổn thương vùng hippocampus - vùng não lưu giữ ký ức- theo thời gian. Do đó, quản lý căng thẳng sẽ giúp bạn bảo vệ trí nhớ của mình. Ngồi thiền, nghe nhạc hoặc thực hiện bất cứ hoạt động gì mà bạn yêu thích đều có thể là chiến lược hiệu quả để giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống.
Bình luận của bạn