Trời lạnh, mưa phùn – đau khớp thêm nặng

Người mắc bệnh khớp thường cảm nhận rõ rệt hơn tình trạng đau nhức, tê cứng, khó cử động… khi trời lạnh kèm theo mưa phùn.

6 điều cần biết về TPCN cho bệnh thoái hóa khớp

Điều trị viêm khớp mạn tính như thế nào?

Ai nói đau xương khớp không được chạy bộ?

Thoái hóa khớp gối có thể gây tàn phế

Những thực phẩm tốt cho người bệnh khớp

Khớp càng đau khi trời rét kèm mưa phùn

Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 700 – 800 ca mắc bệnh viêm khớp dạng thấp mỗi năm. Trong đó, 80% số bệnh nhân là nữ giới ở độ tuổi từ 30 trở lên. Bệnh thường có tính di truyền (chiếm tới 60 - 70% trường hợp).

Trời rét kèm theo độ ẩm tăng cao do mưa phùn làm cho các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn khiến cho các khớp trở nên khô cứng, đau mỏi, khó cử động. Đặc biệt, kiểu thời tiết này cũng khiến các thói quen tập luyện hàng ngày bị giảm đi góp phần làm cho những người bị viêm khớp có triệu chứng thêm nặng.

Theo GS.BS Trần Ngọc Ân – Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, viêm khớp dạng thấp là tình trạng viêm mạn tính ở nhiều khớp ngoại biên, đặc biệt là các khớp nhỏ như khớp bàn tay, ngón tay, bàn chân. Bệnh thường khởi phát từ từ và tăng dần, chỉ có khoảng 10 - 15% trường hợp mắc bệnh bắt đầu đột ngột và cấp tính.

Nguyên nhân gây bệnh là do các tế bào trong cơ thể bị thoái hóa, thiếu năng lượng hoặc bị tổn thương làm cho hệ miễn dịch nhận diện sai, coi các tế bào này là kháng nguyên lạ nên đã hình thành các kháng thể tự sinh để tấn công vào khớp và mô để tiêu diệt kháng nguyên đó.

Vào giai đoạn đầu, bệnh có các biểu hiện sưng đau một vài khớp nhỏ, cứng khớp vào buổi sáng kèm theo sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, ra nhiều mồ hôi, tê các đầu chi. Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh thường bị viêm đau nhiều khớp, hay gặp nhất là khớp cổ tay, cổ chân, ngón tay, ngón chân, khuỷu tay, khớp gối với các triệu chứng sưng đau, khó vận động, đau nhiều về đêm và khớp viêm có tính đối xứng như cùng đau hai đầu gối, đau hai ngón tay cùng vị trí ở hai bàn tay…

Viêm khớp ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và làm việc

Xoa bóp nhẹ nhàng các khớp bị đau

Với những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, nhất là trong thời tiết lạnh kèm mưa phùn, GS. Trần Ngọc Ân chia sẻ, trước khi đi ra ngoài, cố gắng tập vận động xoa bóp nhẹ nhàng các khớp đau để làm giãn cơ quanh khớp, tăng tưới máu, giúp giảm đau và giảm cứng khớp. Nếu thời tiết quá lạnh có thể vận động khớp trong nhà chứ không nên nghỉ tập hay đi ra ngoài.

Để khớp bớt đau, có thể dùng gừng tươi, lá ngũ trảo, lá ngải cứu tươi hoặc lá lốt rửa sạch, giã nát, có thể thêm vào một chút rượu, xào nóng, bỏ vào túi vải, chườm nóng bên ngoài chỗ đau. Cách đơn giản hơn là dùng muối hột rang nóng bỏ vào túi vải, chườm nóng bên ngoài chỗ đau. Lưu ý là không chườm trong những trường hợp vùng da ngoài có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau rát.

Mặc quần áo ấm, mang tất, giữ cho nhà cửa ấm áp có thể giúp xương khớp đỡ đau hơn do thời tiết lạnh. Ăn uống đầy đủ năng lượng để giữ nhiệt cho cơ thể: Các thực phẩm giàu acid béo omega-3 (thường có trong cá hồi và các loại hạt) giúp hạn chế tình trạng viêm, giảm đau khớp. Rau lá xanh (rau bina, cải xoăn...) cùng các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi... cũng có thể giúp giảm các triệu chứng của viêm khớp.

Tránh các thực phẩm giàu acid béo omega-6 (chẳng hạn như dầu bắp) vì loại acid này có thể khiến tình trạng thêm nặng. Thay thế các loại ngũ cốc tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, ngũ cốc tinh chế có ảnh hưởng làm tăng sự viêm khớp trong khi chất xơ ngũ cốc nguyên hạt lại giúp giảm viêm, đồng thời có thể dùng một số thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp cũng rất hiệu quả.  

Bên cạnh đó, những người đau khớp mạn tính thường cảm thấy lo lắng, chán nản và cáu gắt. Vì vậy, người bệnh cần phải biết cách làm thế nào để cải thiện tâm trạng như xem các chương trình truyền hình yêu thích hay đơn giản chỉ là trò chuyện với người thân trong gia đình. Cuối cùng, nếu tình trạng đau nhức xương khớp vẫn tái diễn và nặng hơn, người bệnh cần phải đến cơ sở y tế để được các bác sỹ chuyên khoa thăm khám và chữa trị.

Viêm khớp dạng thấp là nguyên nhân chính khiến người bệnh bị sụt giảm khả năng lao động ngay từ những năm đầu tiên bị bệnh. Có khoảng 44% người bệnh mất chức năng vận động bình thường và 16% bị mất chức năng nghiêm trọng sau 5 năm. Đặc biệt, sau 10 năm thì có tới 40 – 60% người bệnh bị mất khả năng làm việc, 89% bị cứng khớp, bàn tay khó nắm và khó đi lại.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cơ xương khớp