Bác sĩ chỉ cách nhận diện rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm

Stress kéo dài có thể gây ra bệnh rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm.

Đến tuổi 75, một nửa dân số mắc rối loạn sức khỏe tâm thần

Cần làm gì để cải thiện rối loạn lo âu?

Những điều cần biết về rối loạn lo âu

Lo lắng và trầm cảm có thể khiến bạn già nhanh hơn

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là gì?

Rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là tình trạng xuất hiện cùng lúc các dấu hiệu nhận biết điển hình của rối loạn lo âu và trầm cảm như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, cáu gắt, lo lắng, dễ xúc động, cảm thấy bi quan và tuyệt vọng. Tuy nhiên, không có triệu chứng riêng biệt nào đủ nặng để kết luận là rối loạn lo âu hoặc trầm cảm riêng lẻ.

Trong đó, biểu hiện chủ đạo của rối loạn lo âu là lo lắng, lo sợ quá mức, còn trầm cảm là giảm khí sắc, buồn bã, chán nản, giảm quan tâm với tất cả mọi vấn đề xung quanh.

Theo BSCK2. Vũ Thị Lan, Phòng điều trị các rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm được xếp vào mã bệnh F41.2 trong Bảng phân loại bệnh Quốc tế lần thứ mười (ICD-10), thuộc các rối loạn bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể.

Nguyên nhân gây hỗn hợp rối loạn lo âu và trầm cảm

Có 3 nguyên nhân phổ biến dẫn đến rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm, đó là:

- Di truyền: Tiền sử gia đình có người từng bị rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.

- Các yếu tố môi trường như: các trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu, các bệnh lý cơ thể kết hợp với việc sử dụng rượu và chất gây nghiện khác.

- Các tác động của sang chấn tâm lý, stress trong cuộc sống cũng là yếu tố góp phần vào việc khởi phát, tăng nặng và kéo dài dai dẳng rối loạn lo âu trầm cảm trong suốt cuộc đời người bệnh.

Nhận diện rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm

Triệu chứng lo âu và trầm cảm.

Triệu chứng lo âu và trầm cảm.

Để nhận diện và có giải pháp điều trị sớm, bác sĩ Lan chia sẻ, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm đồng thời có các biểu hiện của lo âu và các triệu chứng của trầm cảm. Trong đó các triệu chứng cơ thể của lo âu rất phong phú như: Khó thở, khó chịu ở ngực hoặc bụng, cảm giác nghẹn có cảm giác có khối trong họng hoặc khó nuốt; buồn nôn, đi ngoài, đi tiểu nhiều lần, các cơn đỏ mặt, ớn lạnh, tê bì, tê cóng hoặc cảm giác kim châm, yếu, căng cơ hoặc đau đớn, không đứng vững và cảm giác sắp ngất.

Về mặt hành vi người mắc lo âu thường biểu cảm trạng thái sợ hãi, thu mình, né tránh, dễ cáu bẳn, thở nhanh, khó nói; tăng nhạy cảm, giảm tập trung chú ý, sợ mất kiểm soát. Người bệnh thường suy nghĩ mọi việc theo hướng trầm trọng hóa, thảm họa hóa vấn đề… Trạng thái lo âu khiến người bệnh luôn căng thẳng, cáu kỉnh, cảm giác tù túng, đang bên bờ vực và không thể thư giãn. Trạng thái này có hoặc không liên quan rõ rệt với sang chấn tâm lý và điều đáng chú ý là các rối loạn này không dần mất đi khi sang chấn tâm lý không còn.

Các triệu chứng trầm cảm bao gồm: Khí sắc trầm; Mất mọi quan tâm thích thú; Giảm năng lượng dẫn đến tăng mệt mỏi và giảm hoạt động; Giảm sút sự tập trung và sự chú ý; Giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin; Nhìn về tương lai ảm đạm, bi quan; Có những ý tưởng và hành vi tự huỷ hoại hoặc tự sát; Rối loạn giấc ngủ, Buổi sáng thức giấc sớm 2 giờ trước giờ thường ngày ; Ăn kém ngon miệng; Mất những quan tâm hay ham thích trong những hoạt động thường ngày gây thích thú; Trạng thái trầm cảm nặng hơn vào buổi sáng; Giảm hoặc mất hưng phấn tình dục rõ rệt...

Nhìn chung, các triệu chứng của rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm là sự kết hợp triệu chứng riêng biệt của từng hội chứng, trong đó, không có nhóm triệu chứng nào đủ nặng khi xem xét riêng biệt để đánh giá chẩn đoán. Tuy nhiên, nếu tất cả triệu chứng của cả hai dạng rối loạn tâm thần này đều trở nên trầm trọng và phức tạp thì bác sĩ chuyên khoa sẽ ưu tiên điều trị căn bệnh trầm cảm.

 
Việt An (Theo BV Bạch Mai)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh