Vì sao trẻ em nên tránh xa caffeine?

Đồ uống có caffeine không hoàn toàn vô hại với trẻ em

Cách giảm đau đầu khi ngừng đồ uống chứa caffeine

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn uống quá nhiều caffeine?

Đồ ăn nhẹ dành cho trẻ em Đông Nam Á chứa nhiều đường và muối

Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em cần kỹ năng và nguồn lực

Tác động xấu của caffeine tới sức khỏe trẻ em

Caffeine là chất kích thích có ảnh hưởng tới tất cả mọi người, nhưng đa số người trưởng thành khỏe mạnh có thể uống cà phê hàng ngày. Trong khi đó, cơ thể trẻ em không giống với người lớn và có phản ứng khác khi tiếp xúc với đồ uống chứa caffeine. Nguyên nhân có thể kể đến: Não bộ trẻ chưa phát triển hoàn thiện; Trẻ không có khả năng tự kiềm chế bản thân khi đã uống quá nhiều.

Hàng loạt tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra khi trẻ uống caffeine gồm: Rối loạn nhịp tim, lo âu, mất nước, tiêu chảy, đau đầu, tăng huyết áp, tâm trạng thất thường, bồn chồn, co giật, rối loạn giấc ngủ, run người, đau bụng.

Một vài lý do sau giúp cha mẹ thận trọng trước khi cho trẻ tiếp xúc với đồ uống chứa caffeine:

Cản trở giấc ngủ

Mất ngủ, giảm khả năng tập trung là tác dụng phụ thường gặp khi lạm dụng đồ uống chứa caffeine

Mất ngủ, giảm khả năng tập trung là tác dụng phụ thường gặp khi lạm dụng đồ uống chứa caffeine

Caffeine giúp người uống tỉnh táo, nhưng cũng có thể gây ra tác dụng phụ khó ngủ, tỉnh giấc bất chợt, giảm thời lượng giấc ngủ về đêm. Riêng với trẻ em, não bộ ở giai đoạn đang phát triển rất nhạy cảm với tác động của caffeine. Uống cà phê, nước tăng lực từ sớm có thể gây ra vòng tròn mệt mỏi mạn tính, khiến trẻ phụ thuộc vào caffeine.

Giấc ngủ suy giảm ảnh hưởng tới khả năng chú ý, tập trung, tỉnh táo khi đi học. Trẻ vị thành niên thiếu ngủ cũng có nguy cơ lạm dụng đồ uống có cồn, thuốc lá và chất cấm cao hơn.

Gây ra nhiều mối lo về sức khỏe tinh thần

Caffeine kích thích hệ thần kinh trung ương, nhưng với trẻ nhỏ vốn nhạy cảm, caffeine lại gây ra hiệu ứng lo âu, làm tăng mức độ stress và trầm trọng thêm triệu chứng trầm cảm. Chất lượng giấc ngủ suy giảm cũng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tinh thần.

Có khả năng gây nghiện

Người trưởng thành uống cà phê đều đặn hiểu rõ thói quen này khó bỏ ra sao. Việc “cai nghiện” cà phê đột ngột còn có thể khiến bạn bồn chồn, đau đầu, mệt mỏi. Là một chất kích thích, caffeine có khả năng gây nghiện. Việc phụ thuộc vào thức uống chứa caffeine quá sớm, trước 18 tuổi không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Đồ uống chứa caffeine thường chứa nhiều đường

Đồ uống chứa caffeine thường hấp dẫn vị giác trẻ em bằng lượng đường và chất béo cao

Đồ uống chứa caffeine thường hấp dẫn vị giác trẻ em bằng lượng đường và chất béo cao

Ngày càng có nhiều thức uống chứa caffeine sang chảnh, được thiết kế nhắm tới đối tượng là người trẻ. Nước ngọt, nước tăng lực, đồ uống đá xay… chứa caffeine đều đi kèm lượng đường lớn. Lạm dụng thức uống này dễ khiến trẻ thừa cân, béo phì; Kéo theo nguy cơ kháng insulin, tiền đái tháo đường từ sớm.

Lời khuyên cho cha mẹ

Caffeine không chỉ có trong cà phê:. Trà, chocolate, nước tăng lực, nước có gas cũng có hàm lượng caffeine đáng kể. Theo Viện Hàn lâm Tâm thần trẻ em và vị thành niên Mỹ, hiện chưa có liều lượng caffeine nào được chứng minh là an toàn với trẻ dưới 12 tuổi. Ở tuổi 13-18, trẻ không nên nạp vào cơ thể quá 100mg caffeine/ngày. Cơ quan này cũng khuyến nghị, người dưới 18 tuổi nói chung nên tránh uống nước tăng lực hoàn toàn. 

Thế nhưng, trẻ ở tuổi ăn học lại là nhóm ưa thích thức uống tăng lực nhất. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, hơn 70% số trẻ em 2-11 tuổi sử dụng đồ uống chứa caffeine hàng ngày, chủ yếu là nước ngọt có gas.

Để giúp trẻ tỉnh táo và có tinh thần học tập tốt hơn, giải pháp tốt nhất là cho trẻ nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Trẻ từ 3-5 tuổi cần ngủ 10-13 tiếng/ngày (bao gồm cả ngủ trưa, chợp mắt). Trẻ từ 6-12 tuổi cần ngủ đủ 9-12 tiếng. Trẻ tuổi teen (13-18 tuổi) cần tối thiểu 8 tiếng/ngày dành cho giấc ngủ. Cha mẹ nên giúp con sắp xếp thời gian học tập, vui chơi phù hợp để trẻ có đủ năng lượng, không cần phụ thuộc vào đồ uống chứa caffeine.

 
Quỳnh Trang (Theo Cleveland Clinic)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ