Trẻ béo phì, cha mẹ phải làm gì?

Béo phì, thừa cân ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ

Tỷ lệ trẻ Việt Nam bị thừa cân, béo phì tăng 2,2 lần trong 10 năm

Kiểm soát thừa cân, béo phì ở trẻ trong mùa dịch COVID-19

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng gấp 3 lần tại TP.HCM

Những ngộ nhận về omega-3 có thể giảm béo cho trẻ nhỏ?

Những con số đáng báo động

Một số ước tính toàn cầu gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2016, hơn 1,9 tỷ người lớn từ 18 tuổi trở lên thừa cân, trong đó, hơn 650 triệu người bị béo phì. Tỷ lệ béo phì trên toàn cầu đã tăng gần gấp 3 lần từ năm 1975 đến 2016.

Năm 2019, WHO ước tính có khoảng 38,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. Đây từng được coi là vấn đề cấp quốc gia tại các nước có thu nhập cao. Song, trong vòng một thập kỷ qua, tình trạng này gia tăng ở những nước có thu nhập thấp, trung bình, đặc biệt là thành thị.

Ở châu Phi, số trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân đã tăng gần 24% kể từ năm 2000. Gần một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì trong năm 2019 sống ở châu Á.

Hơn 340 triệu trẻ em và thanh thiếu niên 5-19 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2016. Tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên 5-19 tuổi đã tăng đáng kể từ chỉ 4% năm 1975 lên chỉ hơn 18% năm 2016. Tỷ lệ này cũng xảy ra tương tự ở cả bé trai và bé gái với năm 2016 là 18% bé gái và 19% bé trai bị thừa cân.

Trong khi đó, chỉ dưới 1% trẻ em và thanh thiếu niên 5-19 tuổi bị béo phì vào năm 1975 nhưng đến năm 2016, con số này là 124 triệu người (6% bé gái và 8% bé trai).

Trẻ béo phì là một dạng “biếng ăn đặc biệt”, có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thể ẩn nghiêm trọng

Trẻ béo phì là một dạng “biếng ăn đặc biệt”, có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thể ẩn nghiêm trọng

Còn tại Việt Nam, trong chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025” diễn ra vào 10/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết nước ta có 22 triệu học sinh cần được chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Con số này tương đương 25% dân số Việt Nam.

Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở nước ta ở mức đáng báo động. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Như vậy, chỉ sau 10 năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở nước ta đã tăng gấp đôi - con số được đánh giá là rất đáng báo động.

Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng trong năm 2020, tỷ lệ thừa, cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Theo báo cáo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP.HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%. Đáng lưu ý, có đến 53% phụ huynh không biết con mình thừa cân hoặc béo phì, không ít người cho rằng đó là "béo đẹp, béo tốt".

Hệ lụy khôn lường

Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây ra với các bệnh không lây nhiễm bao gồm: Bệnh tim mạch (chủ yếu là bệnh tim và đột quỵ - là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong năm 2012); Bệnh đái tháo đường; Rối loạn cơ xương (đặc biệt là thoái hóa khớp - một bệnh thoái hóa khớp gây tàn phế rất cao); Một số bệnh ung thư (nội mạc tử cung, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, gan, túi mật, thận và ruột kết).

Béo phì ở trẻ em có liên quan đến nguy cơ tử vong sớm và tàn tật cao hơn ở tuổi trưởng thành. Bên cạnh việc gia tăng rủi ro trong tương lai, trẻ béo phì thường gặp tình trạng khó thở, tăng nguy cơ gãy xương, tăng huyết áp, dấu hiệu sớm của bệnh tim mạch, kháng insulin và ảnh hưởng tâm lý.

Giảm cân thế nào cho đúng?

Để giảm tác hại của thừa cân, béo phì lên gánh nặng bệnh tật, mục tiêu giảm cân là cần thiết, tuy nhiên với mỗi trẻ cụ thể cần lựa chọn biện pháp phù hợp. Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ ăn và tập luyện thể dục là phương pháp an toàn, hiệu quả nhất mà ai cũng có thể áp dụng.

Thực đơn giảm cân của trẻ cần hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn nhiều chất béo và đường. Bên cạnh đó, cần tăng cường bổ sung các loại trái cây, rau củ, cũng như các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt khác. Để có chế độ ăn phù hợp nhất cho con, cha mẹ nên đưa con đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn.

Thường xuyên tập thể dục là phương pháp Giảm cân tuyệt vời cho trẻ bị béo phì

Thường xuyên tập thể dục là phương pháp giảm cân tuyệt vời cho trẻ bị béo phì

Cha mẹ hãy tìm cách đưa em bé "quá khổ" ra khỏi nhà và tham gia nhiều loại hình thể thao. Tùy thuộc vào độ tuổi lựa chọn cho con môn thể thao phù hợp như: Đá bóng, đạp xe, đi bộ, chạy, cầu lông, võ thuật...Theo khuyến cáo của WHO, mỗi ngày nên cho trẻ tham gia các hoạt động khoảng 60 phút. Nếu không có nhiều thời gian đưa con đi chơi, bạn nên cho trẻ vào một câu lạc bộ thể dục thể thao. Đừng bao giờ để trẻ bỏ dở bài tập giữa chừng.

Ngoài ra, ngủ đủ giấc, đúng giờ cũng giúp tăng cường hoạt động hệ tiêu hóa, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, đồng thời hạn chế được việc cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu của cơ thể. Đặc biệt, cha mẹ không tự ý dùng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ tác động xấu lên các hệ cơ quan khác của cơ thể, rất nguy hiểm./

 

Theo Vnexpress.vn, TS.BS Phạm Thị Thu Hương - nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hướng dẫn cách nhận biết trẻ bị thừa cân béo phì căn cứ vào bảng chuẩn tăng trưởng chiều cao - cân nặng của WHO như sau:

- Đối với trẻ từ 60 tháng tuổi đến 19 tuổi: Sử dụng BMI theo tuổi với công thức tính là BMI = cân nặng/(chiều cao x chiều cao - đơn vị tính là mét). Cụ thể, khi đối chiếu với với bảng chỉ số BMI trẻ 5-19 tuổi, nếu BMI = -1SD đến +1SD là bình thường; BMI = +1SD đến +2SD là thừa cân; BMI = >+2SD là béo phì.

- Đối với trẻ dưới 60 tháng tuổi: Dùng chỉ số zcore đánh giá cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao. Chiều dài được tính đối với trẻ dưới 24 tháng tuổi và chiều cao đối với trẻ từ 24 tháng trở lên. Cụ thể, khi đối chiếu với bảng cân nặng của trẻ từ 0 đến 5 tuổi, nếu zcore = -2SD đến + 2SD là bình thường; zcore = +2SD đến + 3SD là thừa cân; zcore = >+3SD là béo phì.

Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ