Tăng cường phòng chống dịch, sẵn sàng phương án xử lý cấp cứu dịp lễ

Bộ Y tế họp trực tuyến 63 tỉnh, thành về công tác phòng chống dịch nghỉ lễ - Ảnh: MOH.

Bộ Y tế tăng cường hợp tác quốc tế, bảo vệ sức khỏe người dân

Bộ Y tế bổ nhiệm lại chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược

Một vài nguy hiểm tiềm ẩn bạn nên cảnh giác trong dịp lễ Tết

Du lịch 30/4-1/5: Làm sao để tránh “vừa đông, vừa khổ”?

Đây là khuyến cáo được GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành chiều 26/4 về công tác phòng chống dịch trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19 thời gian gần đây, các địa phương cần tăng cường giám sát trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ kéo dài. Nhất là sau vài năm đại dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương cũng như du khách nước ngoài đến nước ta dự báo sẽ gia tăng, nguy cơ dịch bệnh vì thế cũng sẽ gia tăng. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ, khi người dân trở lại làm việc, công tác phòng, chống dịch cần được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ hơn.

Cùng với đó, sau kỳ nghỉ lễ các trường học bước vào kỳ thi, do đó ngành y tế các địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành giáo dục – đào tạo để đảm bảo sự an toàn phòng chống dịch trong nhà trường.

GS.TS Phan Trọng Lân đề nghị các Viện Pastuer, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố đã được phân công tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện, ca nặng. Từ đó có dữ liệu để tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch, tiêm vaccine. Đồng thời tăng cường lấy mẫu, giải trình tự gene các mẫu ca bệnh để kịp thời có các thông tin về biến thể.

Về tiêm vaccine phòng COVID-19, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu rõ, chúng ta có tỷ lệ bao phủ vaccine cao do đó vaccine vẫn có tác dụng trước biến thể Omicron. Tuy nhiên, đề nghị các đia phương công bố công khai, cập nhật các địa điểm tiêm vaccine để người dân dễ tiếp cận.

Cùng đó, các địa phương cần quản lý tốt bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh để giảm áp lực cho nhóm đối tượng nguy cơ cao - người có bệnh nền khi mắc COVID-19.

Các tỉnh/thành phố cập nhật, đánh giá cấp độ dịch kịp thời để có những biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng cũng lưu ý các địa phương tăng cường kiểm dịch y tế biên giới để phát hiện, xử lý kịp thời bệnh xâm nhập.

Ngành y tế sẵn sàng trước tai nạn, ngộ độc, cấp cứu dịp lễ

Các bệnh viện được yêu cầu đảm bảo điều trị tốt cho người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4,1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+

Các bệnh viện được yêu cầu đảm bảo điều trị tốt cho người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4,1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+

Trước đó, ngày 25/4, Bộ Y tế cũng ban hành công văn 488/KCB-QLCL&CĐT gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc bảo đảm công tác khám, chữa bệnh trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5/2023 và Giỗ Tổ Hùng Vương.

Theo chỉ đạo, các đơn vị, cơ sở y tế cần đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp: Trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng cần phân công thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm họa liên quan các sự kiện tập trung đông người (nếu có) tại địa phương.

Các cơ sở y tế cần tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị; không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa, cơ sở y tế cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi nơi điều trị khác.

Bên cạnh đó, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh đuối nước, cảnh báo tai nạn tại các địa điểm tập trung đông khách du lịch cũng cần được chú trọng.

Các đơn vị y tế bảo đảm thường trực đường dây nóng 24/24. Ngoài ra, vào 8h hàng ngày từ 29/4 đến 4/5, các đơn vị phải báo cáo hàng ngày tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông, COVID-19 và danh sách ca tử vong.

Trường hợp có diễn biến đặc biệt như bùng phát dịch COVID-19 và các dịch bệnh nguy hiểm, cấp cứu thảm họa, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm và các trường hợp đặc biệt khác, các đơn vị phải có báo cáo khẩn về cơ quan quản lý trực tiếp để kịp thời giải quyết.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn