Lưu ý giúp người cao tuổi khỏe mạnh khi nắng nóng

Làm thế nào để người già giữ sức khỏe khi nắng nóng?

Cải thiện đường ruột sau khi uống kháng sinh

Lưu ý giúp người cao tuổi an toàn khi nhiệt độ tăng

Té ngã ở người cao tuổi: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Bảo vệ phổi cho người cao tuổi trong mùa Xuân

Bệnh người cao tuổi dễ mắc mùa nắng nóng

Say nắng, say nóng

Say nắng, say nóng dễ gặp ở người cao tuổi khi nắng nóng. Người già dễ bị mất nước, chất điện giải do trời nóng, nhưng khả năng tự điều thân nhiệt lại khó khăn vì mọi chức năng đã suy giảm, hệ thần kinh đã bị trì trệ. Tình trạng này nếu nhẹ sẽ làm cho cơ thể luôn mệt mỏi, bủn rủn tay chân, chóng quên và hay cáu gắt, mạch nhanh, tim đập dồn dập, nặng hơn có thể truỵ tim mạch.

Nhiều người thường có thói quen tránh nắng nóng bằng cách vào ngay những nơi có điều hòa, nhiệt độ cơ thể sẽ hạ tức thì, mồ hôi không thoát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh. Biểu hiện nhẹ là lờ đờ, mệt mỏi, nói lắp, đau đầu, chóng mặt; nặng thì nhịp tim và hơi thở nhanh rồi chậm dần, khó thở, có thể hôn mê, đột quỵ.

Bệnh đường hô hấp

Người cao tuổi dễ bị các bệnh đường hô hấp khi trời nóng, đặc biệt là cảm cúm, do chế độ sinh hoạt hàng ngày không hợp lý (như dùng quạt và điều hòa liên tục, tắm ngay khi vừa đi ngoài nắng về, mất nước). Nếu nhẹ có thể bị sổ mũi, đau đầu, ớn lạnh, viêm đường hô hấp trên (viêm mũi, họng, xoang...), nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi.

Một số bệnh như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính khi nóng, lạnh đột ngột cũng sẽ tái phát.

Tăng huyết áp và đột quỵ

Cơn tăng huyết áp kịch phát là vấn đề đáng lo ngại do trạng thái nóng lạnh đột ngột (như tắm nước lạnh, nằm điều hòa nhiệt độ quá thấp, đang nóng đi vào phòng điều hòa ngay, đi nắng về tắm ngay, uống bia lạnh để giải nhiệt...).

Tăng huyết áp đột ngột, nếu nhẹ có thể thấy hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhức đầu, loạn nhịp tim, nếu nặng có thể xuất huyết não, đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ mùa nắng nóng ở người già thường xảy ra vào chiều tối hoặc nửa đêm về sáng, lúc thân nhiệt có nhiều thay đổi.

Rối loạn tiêu hóa

Nắng nóng kéo dài khiến đồ ăn, thức uống rất dễ hỏng, ôi thiu, nhiễm khuẩn... gây ra tiêu chảy cấp. Người già bị tiêu chảy cấp nếu không bù nước, điện giải kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Chứng táo bón cũng dễ xảy ra gây trướng bụng khó chịu do ít ăn rau, uống nước không đủ.

Lưu ý giúp người cao tuổi khỏe mạnh khi nắng nóng

Uống đủ nước

Người già cần đặc biệt lưu ý bổ sung nước để phòng các bệnh mùa nắng

Người già cần đặc biệt lưu ý bổ sung nước để phòng các bệnh mùa nắng

Để phòng ngừa mất nước, thiếu nước nghiêm trọng, người già cần uống trung bình 8 cốc/ngày (1,5-2L nước), nên uống làm nhiều lần, không uống quá nhiều một lúc. Cần uống ngay cả khi không khát vì cơ thể người già kém nhạy cảm khi cơ thể khát nước.

Lưu ý, khi đang khát không nên uống nước đá, nước lạnh vì sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn có thể gây hại cho tim và đường hô hấp. Người già nên uống nước nấu sôi để nguội, các loại nước ép tươi.

Hạn chế ra ngoài nắng

Người già cần tránh ra ngoài trời nắng trong khoảng từ 10h-16h, đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Nếu tập thể dục thì nên tập trước 9 giờ sáng và sau 17 giờ chiều, không tập quá sức.

Nếu công việc buộc phải ra khỏi nhà, cần đội mũ hoặc nón rộng vành, mặc ít quần, áo, tốt nhất là loại vải cotton, có kính râm càng tốt. Khi sử dụng điều hòa, nên để ở mức từ 25-27 độ C (chênh lệch không nên vượt quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời).

Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn của người cao tuổi nên có nhiều rau, củ, quả (như xà lách, cải bẹ, giá đậu xanh, dền, mồng tơi, rau muống, khổ qua, rau má, mã đề, bầu, bí, cam, chanh, bưởi, chuối, nho, đu đủ, cà chua…; Giảm bớt chất béo, ngọt và mặn trong bữa ăn. Hàng ngày uống thêm một số nước mát để bồi bổ cơ thể như nước đậu đen, xanh, hạt sen, nước yến, sắn dây, sữa tươi, sữa đậu nành, nước dừa…

Người cao tuổi nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa trong ngày, tránh ăn quá no một lần gây khó tiêu.

Không sử dụng thuốc tùy tiện

Việc dùng kháng sinh không đúng chỉ định, bệnh không những không khỏi mà còn gây hại cho sức khỏe. Chẳng hạn, mỗi người tăng huyết áp có cách điều trị và bị những bệnh đi kèm khác nhau. Trường hợp tăng huyết áp mà lại bị hen phế quản thì không thể dùng thuốc như người tăng huyết áp mà nhịp tim nhanh, suy tim, đái tháo đường. Vì vậy, người bệnh phải đi khám để bác sĩ chỉ định loại thuốc phù hợp.

Ngoài ra, việc khám định kỳ và tái khám rất quan trọng khi chăm sóc người cao tuổi nhằm mục tiêu phát hiện sớm các bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời giúp hạn chế hoặc điều trị kiểm soát bệnh.

 
Nguyễn Thanh (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già