Tìm hiểu về hội chứng Sundowner ở tuổi xế chiều

Hội chứng Sundowner là hiện tượng tâm lý thường gặp ở người cao tuổi mắc bệnh sa sút trí tuệ

Các hoạt động hàng ngày giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Buồn ngủ vào ban ngày – dấu hiệu cảnh báo sớm sa sút trí tuệ

Cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa Alzheimer nhờ quả lựu

Ăn cá giúp tăng cường chức năng não

Biểu hiện suy giảm trí nhớ lúc xế chiều

Hội chứng Sundowner hoặc Sundowning, hay hội chứng hoàng hôn được dùng để miêu tả thay đổi hành vi bất thường như mất định hướng, suy giảm nhận thức thường xảy ra ở thời điểm mặt trời lặn, nhập nhoạng tối. 

Đối tượng dễ gặp hội chứng này nhất là người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ, phổ biến nhất là bệnh Alzheimer. Người bệnh có thể trải qua một ngày bình thường nhưng lại có ngày gặp triệu chứng phức tạp. Hành vi và tính tình thay đổi thất thường do hội chứng hoàng hôn gây ra nhiều khó khăn và mệt mỏi cho người chăm sóc.

Người bệnh sa sút trí tuệ kèm hội chứng Sundowner thường kích động, tâm tính bắt đầu thay đổi khi mặt trời dần lặn

Người bệnh sa sút trí tuệ kèm hội chứng Sundowner thường kích động, tâm tính bắt đầu thay đổi khi mặt trời dần lặn

Hội chứng hoàng hôn có thể xảy ra với bất cứ bệnh nhân sa sút trí tuệ nào, nhưng thường gặp nhất là ở những giai đoạn muộn. Không chỉ đơn giản là sự lú lẫn của người già, hội chứng hoàng hôn còn có biểu hiện như:

- Đi lang thang, bồn chồn, lú lẫn, kích động, khóc lóc khi mặt trời dần lặn.

- Đi theo sát người chăm sóc, đôi khi bắt chước theo hành động hoặc lặp lại lời nói của người chăm sóc. 

- Gặp vấn đi như khó ngủ, ngủ không ngon giấc.

- Hoang tưởng, nghe hoặc nhìn thấy những hình ảnh không có thật.

- Trở nên cảnh giác, hoảng sợ không rõ lý do.

- Tức giận, la hét, một vài trường hợp còn có hành vi bạo lực.

Với người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ và Alzheimer, những hành vi trên có thể gây xúc phạm và ảnh hưởng đến tinh thần. Tuy nhiên, cần hiểu rằng đó là do những thay đổi trong não bộ mà người bệnh không thể kiểm soát.

Những yếu tố có thể làm hội chứng hoàng hôn trở nặng

Những thay đổi bất ngờ trong môi trường sống hoặc lịch trình hàng ngày có thể là yếu tố kích thích triệu chứng ở người gặp hội chứng hoàng hôn. Ngoài ra, còn có các nguy cơ đến từ việc không ngủ đủ giấc, táo bón, nhiễm trùng đường tiểu, đau đớn, trầm cảm và stress. Bệnh cũng trở nặng nếu người cao tuổi tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc quá nhiều người.

Một vài bệnh nhân sa sút trí tuệ cũng có biểu hiện thay đổi tính khí vào thời điểm xế chiều nếu bị ép thực hiện các công việc như tắm, mặc quần áo, hỏi đáp về ký ức. Cảm giác cô đơn và không được giao tiếp với người khác cũng có thể ảnh hưởng phần nào đến hội chứng hoàng hôn.

Làm sao để kiểm soát hội chứng hoàng hôn cho người già?

Buổi sáng sớm nên đưa người bệnh ra ngoài trời để tiếp cận với ánh sáng tự nhiên

Buổi sáng sớm nên đưa người bệnh ra ngoài trời để tiếp cận với ánh sáng tự nhiên

Sa sút trí tuệ nói chung và hội chứng Sundowner nói riêng đều là căn bệnh về thần kinh chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Thuốc có thể không đảm bảo các triệu chứng sẽ dừng lại, hơn nữa còn có các tác dụng phụ không mong muốn. Vì thế, ở tuổi xế bóng, ông bà cha mẹ cần nhận được sự thấu hiểu và chăm sóc kỹ càng hơn từ người thân.

Một vài biện pháp giúp giảm thiểu tác động của hội chứng hoàng hôn gồm:

- Xây dựng lịch sinh hoạt cố định, ví dụ như ăn, ngủ đúng giờ.

- Hạn chế tối thiểu tiếng ồn và vật dụng bừa bộn trong nhà.

- Ban ngày nên bật nhạc nhẹ và để ánh sáng mặt trời tự nhiên chiếu vào nhà.

- Giữ các vật dụng, tranh ảnh quen thuộc với người cao tuổi trong nhà.

- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn và caffeine vào buổi chiều tối.

- Không để người cao tuổi ngủ trưa quá lâu hoặc chợp mắt vào buổi chiều tối.

- Sắp xếp việc khám chữa bệnh và các hoạt động khác vào thời điểm sớm trong ngày, khi người mắc chứng sa sút trí tuệ tỉnh táo hơn.

Khi người cao tuổi có biểu hiện của hội chứng hoàng hôn, người chăm sóc có thể thực hiện các biện pháp như:

- Cố gắng gây xao lãng bằng hoạt động như ăn nhẹ, đi bộ, xem TV.

- Nói chuyện chậm rãi và bình tĩnh, tránh to tiếng tranh cãi với người cao tuổi. Hít thở sâu, đếm từ 1 đến 10 nếu cảm thấy mất kiên nhẫn với người bệnh.

- Trấn an người bệnh rằng mọi thứ đều ổn.

- Hạn chế nhốt hoặc cấm cản người bệnh, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn.

- Thử chạm nhẹ như vỗ lưng, xoa chân để giúp người bệnh bình tĩnh.

Trong trường hợp người bệnh có hành vi gây hấn, hãy cất các vật nhọn và nguy hiểm trong nhà, giữ khoảng cách với người bệnh và gọi hỗ trợ y tế nếu cần thiết. 

 
Quỳnh Trang (Theo Health Harvard)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già