Uống cà phê khi bụng đói có làm hỏng dạ dày?

Nhiều người có thói quen uống cà phê trước khi ăn sáng

Uống cà phê giúp giảm nỗi lo bệnh gan nhiễm mỡ

Cách ngăn cà phê làm ố vàng răng

Có nên uống cà phê khi đói không?

Nghiên cứu mới: Cà phê giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

BS Trisha Pasricha – chuyên gia về tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts trả lời:

Với nhiều người, thói quen không thể thiếu để bắt đầu ngày mới là thưởng thức một ly cà phê thơm ngon. Tuy nhiên, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin rằng uống cà phê khi bụng đói có thể gây hại cho dạ dày, dẫn đến hiện tượng chướng bụng, nổi mụn, rụng tóc, lo âu, thậm chí là đau bụng kinh.

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu mặt lợi hại của việc uống cà phê, đặc biệt là với hệ đường ruột. Rất may là dạ dày của chúng ta có thể chịu đựng được hầu hết chất gây kích thích, trong đó có cả cà phê.

Dạ dày có nhiều cơ chế tự bảo vệ. Ví dụ, niêm mạc sẽ tiết ra một lớp chất nhầy bảo vệ nó khỏi thực phẩm bạn ăn vào. Đây cũng là "tấm khiên" bảo vệ niêm mạc khỏi môi trường acid tự nhiên trong chính dạ dày.

Các chất gây kích thích như đồ uống có cồn, khói thuốc lá, thuốc kháng viêm nhóm NSAIDs (như ibuprofen) được biết đến có thể làm thay đổi cơ chế tự bảo vệ của dạ dày, làm tổn thương niêm mạc. Riêng với cà phê, một nghiên cứu trên hơn 8,000 người Nhật Bản năm 2013 cho thấy, không có mối liên hệ nào giữa cà phê và sự hình thành các vết loét ở dạ dày hay ruột non. Hiện tượng này được ghi nhận ở cả những người uống hơn 3 cốc cà phê mỗi ngày.

GS Byron Cryer – Trung tâm Y tế Đại học Baylor (Mỹ) cho rằng: "Cà phê, dù ở dạng cô đặc, cũng ít có thể gây ra tổn thương trực tiếp tới dạ dày". Tuy nhiên, tác động chính mà cà phê gây ra là kích thích nhu động ruột và làm tăng sản xuất acid (hay dịch vị dạ dày). Ngoài ra, caffeine trong cà phê cũng có thể làm tăng nhịp tim, huyết áp và khiến bạn thao thức nếu uống quá gần giờ đi ngủ.

Uống cà phê khi bụng đói hiếm khi gây ra tổn thương với dạ dày của bạn, nhưng trên lý thuyết, thói quen này có thể gây ra tình trạng ợ nóng. Đây là hiện tượng acid dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác khó chịu và nóng rát ở vùng xương ức, ngực.

Uống cà phê khi bụng đói dù không gây ra vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng, song có thể tăng sản xuất acid dạ dày, dẫn đến tình trạng ợ nóng

Uống cà phê khi bụng đói dù không gây ra vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng, song có thể tăng sản xuất acid dạ dày, dẫn đến tình trạng ợ nóng

Nếu bạn đã ăn nhẹ trước đó, hoặc uống cà phê cùng sữa và kem béo, thực phẩm này sẽ giúp trung hòa acid dạ dày, giảm hiện tượng ợ nóng.

Nồng độ acid tăng cao không ảnh hưởng nhiều đến niêm mạc dạ dày, nhưng lại có thể gây hại cho thực quản – bộ phận dễ tổn thương hơn. Một số nghiên cứu cho thấy, cà phê làm giãn cơ thắt thực quản, cho phép acid từ dạ dày lan tới thực quản và gây ra hiện tượng ợ nóng khó chịu. Các kết quả nghiên cứu về tác động của cà phê với thực quản còn gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, với tư cách là một bác sỹ về tiêu hóa, tôi thường khuyên bệnh nhân của mình ghi chép lại các triệu chứng. Nếu liên tục ghi nhận cơn đau ở ngực, vị chua ở miệng sau khi uống cà phê, bạn nên cân nhắc cắt giảm lượng cà phê mỗi ngày, hoặc dùng thuốc kháng acid dạ dày.

Ngoài ra, thêm sữa và kem béo vào cà phê, hoặc ăn sáng trước khi uống cũng là mẹo có ích. Nếu bạn không nhận thấy triệu chứng bất thường nào, bạn có thể thưởng thức cà phê hàng ngày.

 
Quỳnh Trang (Theo New York Times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bác sỹ ơi